Chỉ riêng tại tỉnh Đắk Lắk, tổng giá trị hàng hóa số cà phê bột bị phát hiện vi phạm từ tháng 1/2022 đến hết tháng 7/2023 lên tới hơn 3,5 tỷ đồng, Viện KSND tỉnh cho hay.

dak lak van tiep dien nan ca phe dau nanh tron caramel muoi nuoc mam
Cơ sở Trọng Tín sản xuất cà phê bột giả bị Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện tại tỉnh Đồng Nai, tháng 7/2023. (Ảnh: dẫn qua vksdaklak.gov.vn)

Viện KSND tỉnh Đắk Lắk mới đây thừa nhận tình hình vi phạm, tội phạm về sản xuất, buôn bán cà phê bột giả tại tỉnh này có nhiều diễn biến phức tạp. Tính trong gần 2 năm, kể từ ngày 1/1/2022 đến 31/7/2023, tổng cộng tỉnh này đã phát hiện, thụ lý 6 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là cà phê bột. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm được phát hiện, thu giữ hơn 3,5 tỷ đồng.

Cả 6 vụ việc đều bị khởi tố, điều tra với 7 bị can về tội sản xuất hàng giả là thực phẩm. Tòa án đã đưa ra xét xử 2 vụ, 3 bị cáo.

Một số vụ sản xuất cà phê bột giả điển hình như vụ việc phát hiện tại Hộ kinh doanh Cẩm Dương Lozio (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) do Doãn Thị Minh Huệ (SN 1977) là chủ.

Tại cơ sở trên, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện nhãn hiệu cà phê bột Lozio coffee và Việt Hoàng coffee cùng do cơ sở này sản xuất. Trong đó, Lozio coffee do Doãn Thị Minh Huệ đứng tên sản xuất, Việt Hoàng coffee gia công cho Lê Hoàn Vũ (SN 1985, ngụ xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) theo công thức của Vũ.

Trên bao bì, các sản phẩm trên đều công bố có hàm lượng caffeine đạt tối thiểu 1%, thành phần sản phẩm gồm các loại cà phê như arabica, robusta, moka, catimor… Tuy nhiên, thành phần chính được cơ sở trên dùng để sản xuất cà phê bột gồm đậu nành, bơ công nghiệp, hóa chất tạo màu caramel, muối, nước mắm, hóa chất tạo mùi cà phê và một số lượng nhỏ hạt cà phê thật.

Qua giám định, hàm lượng caffeine có trong các sản phẩm cà phê nói trê chỉ ạt từ 0,08% đến 0,23%, thấp hơn 70% so với công bố và TCVN. Theo quy định pháp luật thì đây là hàng giả.

Ngoài cà phê giả sản xuất tại chỗ, còn có cà phê giả làm ở tỉnh khác rồi đưa đến Đắk Lắk tiêu thụ. Điển hình như đường dây cà phê “70% đậu nành, 10% bắp” sản xuất tại TP.HCM rồi tỏa ra các tỉnh tiêu thụ.

Tháng 7 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế Đắk Lắk phát hiện một lái xe và một nhân viên tiếp thị đang bán 120 gói cà phê bột (khoảng 60 kg) không có hóa đơn chứng từ cho một phụ nữ ở huyện Krông Năng. Qua kiểm tra, chiếc xe ô tô biển số Quảng Ngãi chở 561 kg cà phê bột (1.122 gói cà phê nhãn hiệu Nhật Nguyên, Tân Nhật Nguyên) không có hóa đơn, chứng từ. Qua kiểm nghiệm, toàn bộ số lượng cà phê bột trên được xác định là hàng giả.

Tài xế và nữ nhân viên khai nhận số cà phê bột trên sản xuất tại chi nhánh Công ty TNHH Tân Vĩnh Kỳ (H.Bình Chánh, TP.HCM), sau đó vận chuyển đi bán tại các tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định theo chỉ đạo của ông Trương Cao Kỳ – chủ của cơ sở sản xuất cà phê Nhật Nguyên (huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Khám xét tại cơ sở sản xuất, cơ quan điều tra phát hiện 12.830 gói cà phê bột các nhãn hiệu Nhật Nguyên 1, 2, 3; Tân Nhật Nguyên S1, S2; Nhật Nguyên Hương vị cà phê Việt Chồn. Trên bao bì số sản phẩm trên ghi hàm lượng cafeine từ 1% đến 2%. Tuy nhiên, thực tế hàm lượng caffeine trong sản phẩm chỉ từ 0,0021% đến 0,11%, thấp hơn 70% so với hàm lượng cafeine đăng ký công bố chất lượng trên nhãn bao bì.

Các nghi phạm khai nhận các sản phẩm cà phê bột trên được sản xuất theo công thức 70% đậu nành, 10% là bắp và 20% là cà phê; có loại không có thành phần là cà phê, thêm bơ công nghiệp, hương liệu, chất tạo màu…

Vụ việc đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đang trong giai đoạn điều tra mở rộng.

Theo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất, buôn bán cà phê giả vẫn tiếp diễn, trong đó có nguyên nhân từ quản lý nhà nước, xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất cà phê bột giả có diện tích lớn, dùng máy móc, thiết bị lớn không đảm bảo điều kiện sản xuất, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng không bị phát hiện. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, đã có nhiều sản phẩm giả, thậm chí giả thương hiệu lớn, lâu đời, được bán ra với số lượng lớn nhưng không bị ngăn chặn.

Nguyễn Sơn