Đề xuất thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh không quá 1 lần/năm
- Minh Long
- •
Dự thảo nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân quy định không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần/năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng, đồng thời ưu tiên khắc phục hậu quả kinh tế thay vì xử lý hình sự.
- Thanh tra Chính phủ: Hơn 125.000 người kê khai tài sản, 2 người bị kỷ luật
- Dự án Trung tâm Hội nghị 160 tỷ đồng bỏ hoang ở Thanh Hóa bị thanh tra

Ngày 14/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Dự thảo nghị quyết quy định không thanh tra, kiểm tra mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng.
Các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm. Việc thanh tra, kiểm tra được ưu tiên thực hiện từ xa qua dữ liệu điện tử, giảm kiểm tra trực tiếp.
Doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật được miễn kiểm tra thực tế. Quản lý điều kiện kinh doanh chuyển từ cấp phép, chứng nhận sang công bố và hậu kiểm, trừ các lĩnh vực đặc thù theo quy định và thông lệ quốc tế.
Dự thảo cũng phân định rõ trách nhiệm pháp nhân và cá nhân, trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự. Đối với vi phạm dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng biện pháp hành chính, dân sự trước; doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân được tự khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trường hợp có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không, thì không áp dụng xử lý hình sự.
Việc niêm phong, kê biên, tạm giữ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, tương ứng với thiệt hại dự kiến, và sử dụng hợp lý các biện pháp bảo đảm giá trị tài sản, giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan tố tụng. Tài sản hợp pháp được phân biệt rõ với tài sản từ hành vi vi phạm và tài sản của cá nhân quản lý doanh nghiệp.
Dự thảo nghị quyết áp dụng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan, tập trung vào 5 nhóm chính sách: cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; hỗ trợ tài chính, tín dụng, mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa, lớn và doanh nghiệp tiên phong.
Cụ thể, doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn cho các dự án xanh, tuần hoàn, áp dụng khung tiêu chuẩn ESG. Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị xác định rõ quy mô, diện tích hỗ trợ đất đai trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tránh trục lợi chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, trong báo cáo thẩm tra, đề nghị bổ sung quy định không thanh tra, kiểm tra trùng nội dung trong cùng năm, trừ khi có bằng chứng vi phạm, và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra. Ông Mãi cũng đề nghị rà soát, cụ thể hóa nội dung cải thiện môi trường kinh doanh, tách riêng điều về cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, cạnh tranh.
Minh Long
Từ khóa thanh tra doanh nghiệp kinh tế tư nhân cải thiện môi trường kinh doanh hậu kiểm xử lý vi phạm
