Dịch bùng phát nặng hơn sau Tết, những vấn đề gì đang tồn tại ở Hải Dương?
- Nguyễn Quân
- •
Ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (16/2, tức mùng 5 Tết), Hải Dương công bố giãn cách xã hội toàn tỉnh, chính thức xác nhận nguy cơ dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và dễ lan ra nhiều tỉnh khác. Thực tế, số người nhiễm virus Vũ Hán (nCoV) tại đây liên tục tăng cao trong khi phát sinh thêm nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.
“Có lây nhiễm chéo trong khu cách ly và chưa cắt đứt được chuỗi lây”, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chủ trì Bệnh viện dã chiến số 2 của Hải Dương – nói tại cuộc họp trực tuyến hôm 14/2.
Tại hai điểm cách ly tập trung nhiều công nhân từ Công ty POYUN, đã có tới 80 F1 đang cách ly trở thành bệnh nhân dương tính (tính tới sáng 14/2). Các bất cập như người có bệnh nền, phụ nữ có thai vẫn để rải rác ở các phòng, có nhà vệ sinh dùng cho tới 60 người, mật độ cách ly sau khi giảm xuống vẫn còn gấp 3 lần mức an toàn (từ 30 người/phòng xuống 10-15 người/phòng, trong khi mức an toàn là 5 người/phòng)… hay tại khu cách ly dân sự còn để tình trạng người bị cách ly tụ tập.
Chiều 18/2, quay trở lại kiểm tra, Bộ Y tế xác nhận 3 khu cách ly đã được chuyển cho quân đội quản lý, 1.625 công nhân Công ty POYUN tại 2 khu cách ly được chuyển ra và tách làm 6 khu. Điều này có nghĩa các bất cập trong các khu cách ly tập trung đã tồn tại khoảng 20 ngày trước khi được khắc phục.
Vấn đề thứ hai tại Hải Dương là ca bệnh trong cộng đồng. Ngày 15-16/2, 4 người trong cùng một gia đình ở TP Hải Dương được phát hiện dương tính, chiều 18/2 thêm 3/18 ca mới của Hải Dương là ca cộng đồng, được phát hiện qua sàng lọc ngẫu nhiên (15 ca còn lại trong khu cách ly tập trung).
Vào đầu thời điểm bùng phát đợt dịch hiện tại, trong phiên họp vào chiều 28/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận khi những ngày đầu tiên dịch bùng tại Đà Nẵng [tháng 7/2020], giới chức “đã có những lúng túng nhất định”.
Tuy nhiên, thời gian Đà Nẵng tiến hành phong tỏa ổ dịch và giãn cách xã hội nhanh hơn ở Hải Dương rất nhiều. Ngày 25/7/2020, khi ghi nhận ca nhiễm thứ hai trong cộng đồng (chưa rõ nguồn lây), Đà Nẵng đã xin giãn cách toàn thành phố và được đồng ý thực thi từ 0h ngày 28/7/2020. Cùng thời điểm, khu vực tâm dịch – 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và khu dân cư xung quanh được phong tỏa.
Thực tế, ngoại trừ ổ dịch Chí Linh được phong tỏa từ ngày 27/1 khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, tại ổ dịch ở các huyện Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng rất nhanh. Sáng 14/2, tỉnh Hải Dương có 461 ca, tới sáng 16/2, tổng số ca nhiễm đã tăng lên 575 ca. Ngày 16/2 (mùng 5 Tết), khi dịch lan ra 12/12 huyện, thị xã, TP Hải Dương, toàn tỉnh mới thực hiện giãn cách xã hội.
Chiều 18/2, thêm một Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) phải phong tỏa, toàn bộ 1.635 công nhân phải lấy mẫu xét nghiệm sau khi một công nhân (ông N.V.H., 60 tuổi) phát triệu chứng sốt, ho và có xét nghiệm dương tính nCoV ngày 18/2. Trước khi được phát hiện nhiễm bệnh, ông H. cách ly tại địa phương từ ngày 1 đến 15/2. Ngoài toàn bộ công nhân tại nhà máy, khu dân cư nơi ông H. sống phải phong tỏa với 26 F1 đi cách ly tập trung, 1.500 nhân khẩu tại thị xã Kinh Môn phải xét nghiệm. |
Cần chú ý thêm, diễn biến dịch ở Hải Dương quay trở lại phức tạp trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán. Trong đợt Tết Nguyên đán, Hải Dương vẫn cho phép người từ các tỉnh khác, hoặc người trong nội tỉnh được về quê ăn Tết. Đến tối 13/2 (mùng 2 Tết), trước nguy cơ ổ dịch huyện Cẩm Giàng lan rộng ra toàn tỉnh, Tỉnh ủy Hải Dương phải ra văn bản hỏa tốc yêu cầu sau nghỉ Tết, toàn bộ các doanh nghiệp ngoài huyện Cẩm Giàng không cho phép công nhân tại huyện Cẩm Giàng đến làm, còn các doanh nghiệp trong huyện chỉ cho công nhân cư trú trong huyện vào làm khi người này có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tới chiều 17/2 (mùng 6 Tết), TP Hải Dương tiếp tục thông báo tất cả người dân sinh sống tại TP Hải Dương đã từng đi, đến, về hoặc làm việc tại huyện Cẩm Giàng từ ngày 15/1 đến nay phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm.
Nhiều tỉnh cũng “chủ quan” như Hải Dương?
Lệnh giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương bắt đầu từ 0h ngày 16/2, tức ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ Tết. Lệnh này cụ thể hóa nguy cơ dịch lan rộng tại Hải Dương và nhiều tỉnh khác, đặc biệt khi người dân đã đi lại qua nhiều tỉnh trong kỳ nghỉ Tết dài ngày.
Trước nguy cơ Hải Dương, chiều 17/2, giới chức Hà Nội công bố giải pháp kiểm soát tốn kém (nhân lực, vật lực) khi yêu cầu toàn bộ người từ Hải Dương về Hà Nội trong vòng 14 ngày (từ 0h ngày 2/2 đến 0h ngày 16/2). Tới chiều 18/2, giải pháp này phải mở rộng, toàn bộ người đi từ các ổ dịch của 12 tỉnh, thành phố khác trong 14 ngày qua được yêu cầu phải liên hệ ngay để được xét nghiệm và tự cách ly tại nhà.
Chỉ riêng số người từ Hải Dương về, tổng số người phải lấy mẫu xét nghiệm đã khoảng 25.000 người, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, dự kiến hoàn tất xét nghiệm vào ngày 21/2. Con số người dự kiến về từ vùng dịch tại các tỉnh khác không được công bố.
Tương tự, sau khi Hải Dương ban bố lệnh giãn cách xã hội, giới chức các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình và Hưng Yên lần lượt yêu cầu các chủ doanh nghiệp trong tỉnh không tiếp nhận lao động đến từ Hải Dương.
Bắc Ninh quay trở lại phòng dịch sau Tết khi UBND tỉnh này yêu cầu những người đã đến và đi từ Hải Dương về Bắc Ninh từ 0h ngày 16/2 trở về trước (tức từ ngày 2/2 – ngày 21 tháng Chạp đến 16/2 – ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ Tết), nếu đã cách ly đủ 14 ngày thì phải khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe và tiếp tục cách ly tại nhà đến khi đủ 21 ngày.
Những người chưa cách ly đủ 14 ngày thì phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà đến khi đủ 14 ngày. Các chủ doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh phải cam kết không sử dụng lao động của tỉnh Hải Dương.
Việc khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly áp dụng cả với những người về Bắc Ninh từ vùng dịch (theo công bố và cập nhật của Bộ Y tế).
UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trường xây dựng tại tỉnh tạm dừng tiếp nhận lao động đến từ Hải Dương cho đến khi có thông báo mới.
Tại Hưng Yên, ngoài việc yêu cầu tạm dừng tiếp nhận lao động đến từ Hải Dương, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được yêu cầu không tiếp nhận lao động đến từ xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (nơi có ca bệnh) cho đến khi có thông báo mới.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa ổ dịch Hải Dương lây nhiễm chéo trong khu cách ly