Đông Nam Á sẽ có 55.000 người tử vong do nhiệt điện than năm 2030
- Lam Ngọc
- •
“Việc sử dụng nguồn năng lượng từ than tại các quốc gia mới nổi ở Đông Nam Á sẽ có ảnh hưởng lớn và lâu dài đối với chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng. Theo ước tính, việc lựa chọn sử dụng năng lượng sạch sẽ có thể tránh được việc gây ra hàng chục ngàn trường hợp tử vong sớm tại khu vực này. Việc lựa chọn phát triển nguồn năng lượng nào tại Đông Nam Á cũng sẽ cần cân nhắc đến nguồn chi phí lớn cho chăm sóc y tế cộng đồng”.
-Theo Shannon Kopplitz, Trưởng dự án nghiên cứu “Gánh nặng bệnh tật khi tăng nguồn thải từ than đá tại châu Á” được thực hiện bởi nhóm các nhà nghiên cứu đến từ ĐH Harvard và tổ chức GreenPeace năm 2015.
Trong khi vấn đề ô nhiễm không khí tại Trung Quốc và Ấn Độ thu hút nhiều sự chú ý của các nhà khoa học trong nhiều năm qua thì ảnh hưởng của việc mở rộng các dự án nhiệt điện than ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2017 được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của trường ĐH Harvard và tổ chức Hòa Bình Xanh (GreenPeace), ô nhiễm không khí từ nhiệt điện than tại Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan được tính toán đã gây ra cái chết của hơn 20.000 người mỗi năm.
Là khu vực có mật độ dân số cao và đang phát triển nhanh về kinh tế, than đá hiện là nguồn nhiên liệu phục vụ phần lớn nhu cầu về năng lượng điện của các quốc gia trong khu vực này.
Trên cơ sở phân tích chi tiết các dự án nhiệt điện than hiện đang có trong quy hoạch và đang được triển khai xây dựng, các nhà nghiên cứu đã dự đoán kịch bản về lượng khí thải từ than đá tại Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Theo đó, lượng khí thải SO2 và NOx từ các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực này sẽ tăng lên khoảng 3 lần vào năm 2030 và có thể vượt qua tổng lượng khí thải của Mỹ và châu Âu, trong đó, hai quốc gia có lượng khí thải tăng nhiều nhất là Indonesia và Việt Nam (chiếm đến 67% lượng khí thải tăng thêm).
>> Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động: Bạn có thể làm gì?
Chọn phát triển nhiệt điện than hay ‘đánh đổi’ sinh mạng của hàng chục ngàn người?
Ô nhiễm không khí là mối nguy hại về môi trường có ảnh hưởng lớn nhất tới sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân dẫn đến khoảng 5,5 triệu người tử vong sớm vào năm 2013. Nguồn ô nhiễm này cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi, đột quỵ, các bệnh tim mạch và các bệnh hô hấp kinh niên – là các bệnh thông thường nhất dẫn tới tử vong tại rất nhiều quốc gia. Nguồn khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than đóng góp tất cả các nguồn gây ô nhiễm không khí làm tổn hại tới sức khỏe của con người, trong đó gây ảnh hưởng lớn nhất là các hạt bụi (Particulate matter) – PM 2.5 µm từ tro bụi trong khói đốt than lơ lửng trong không khí.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên và Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cho thấy hoạt động đốt than là nguyên nhân gây nên 670.000 trường hợp tử vong sớm ở Trung Quốc năm 2012 – chiếm gần 60% tổng số các ca tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí (NRDC và Đại học Thanh Hoa 2015). Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy nguồn ô nhiễm từ than đá khiến khoảng 80.000 – 115.000 người tử vong sớm tại Ấn Độ (Goenka và Guttikunda 2013), 13.200 người tại Mỹ (Schneider and Banks 2010) và 23.300 người tại châu Âu, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ (Jensen 2013).
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu ĐH Harvard và GreenPeace, ước tính số người tử vong sớm mỗi năm do nhiệt điện than tại khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan có thể tăng lên đến 70.000 người vào năm 2030.
Tính riêng khu vực Đông Nam Á, số lượng người tử vong mỗi năm tính đến 2030 do nhiệt điện than là khoảng 55.000 người, trong đó, Indonexia là quốc gia có số lượng người tử vong sớm do ô nhiễm từ khí thải nhiệt điện than nhiều nhất, tiếp đến là Việt Nam, (nếu tính cả 10% dân số tăng lên thì tới năm 2030, riêng Indonesia và Việt Nam sẽ có 43.000 người tử vong mỗi năm do hoạt động từ các nhà máy nhiệt điện than).
Tại Việt Nam, theo Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), năm 2010, trên toàn thế giới có 3,2 triệu người chết liên quan đến nhiệt điện than, trong đó, Việt Nam có 31.000 người, riêng khu vực Đồng bằng công Cửu Long là 8.000 người.
Theo Lauri Myllyvirta – Chuyên gia của chiến dịch toàn cầu than Greenpeace khu vực Đông Á: “Việc mở rộng thực hiện các dự án nhiệt điện than đã có trong quy hoạch tại khu vực Đông Nam Á là đặc biệt đáng lo ngại bởi các quốc gia này có các tiêu chuẩn về quản lý khí thải từ các nhà máy rất kém. Các quốc gia tại đây đưa ra giới hạn mức độ ô nhiễm từ các nhà máy xây dựng mới cao hơn nhiều lần so với Trung Quốc và Ấn Độ”.
Chuyên gia Lauri Myllyvirta cũng cho rằng các quốc gia Đông Nam Á nên “nhảy qua” giai đoạn sử dụng các công nghệ năng lượng lạc hậu, ô nhiễm như than đá để bước tới sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Lam Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa người chết do nhiệt điện Nhiệt điện than Đông Nam Á hậu quả nhiệt điện than ô nhiễm không khí nhiệt điện than tử vong do nhiệt điện số người từ vong do nhiệt điện