Dự án 10.000 tỷ đồng: Dùng thép Trung Quốc thay Nhật Bản, giá đội gấp đôi
- Kim Long
- •
Liên doanh tư vấn giám sát hợp đồng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng cho biết chủ đầu tư đã sử dụng thép Trung Quốc thay thép Nhật Bản là sai so với hợp đồng. Ngoài ra, việc làm này làm chi phí đội lên gấp đôi.
Ông Fernando Requena – Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt thuộc Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng vừa cho biết, quá trình thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) làm chủ đầu tư có nhiều sai phạm.
Cụ thể, hai cửa van tại cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô có thiết kế cơ sở là dùng thép không gỉ SUS 304 (tiêu chuẩn Nhật Bản) và thép S355 (tiêu chuẩn Châu Âu, xuất xứ từ các nước tiên tiến thuộc nhóm G7).
Tuy nhiên, Tập đoàn Trung Nam lại sử dụng thép Q345B (tiêu chuẩn Trung Quốc) thay thế.
Sự việc phát hiện từ trước và Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ đúng hợp đồng đã ký. Chủ đầu tư muốn thay đổi vật liệu phải có báo cáo và được sự chấp thuận, phê duyệt từ UBND TP.HCM.
Theo ông Fernando Requena, chủ đầu tư áp dụng tiêu chuẩn thép Trung Quốc làm van cống ngăn triều đều không có trong danh mục tiêu chuẩn được phê duyệt của UBND TP.HCM.
Ngoài ra, ở gói thầu cống kiểm soát triều Mương Chuối, Trung Nam Group cũng thay đổi kết cấu so với bản vẽ thiết kế mà chưa được thành phố phê duyệt.
Điều đáng nói, việc sử dụng thép Trung Quốc khiến giá thép không hề giảm đi mà lại đội giá hơn gấp đôi, từ 247 tỷ lên 514 tỷ đồng
Cụ thể, giá thép không gỉ SUS 304 (tiêu chuẩn Nhật Bản) hiện khoảng 70.000 đồng/kg, còn giá thép Trung Quốc loại SUS 323L có giá 140.000 đồng/kg.
Lý giải về việc này, Trung Nam group cho biết đã đề xuất với Sở NN&PTNT và được Sở này đồng ý. Bên cạnh đó, việc dùng thép SUS 323L của Trung Quốc thay thép SUS 304 của G7 là vì cửa van cống chìm hoàn toàn trong nước. Thép SUS 304 có tính cơ hóa thấp nên đơn vị sử dụng thép Trung Quốc nhằm tối ưu trong thiết kế bản vẽ thi công.
Phía giám sát cho rằng việc thay đổi vật tư phải được người quyết định đầu tư xem xét, là UBND TP.HCM.
“Do đó, Liên danh tư vấn hợp đồng nhận định chưa đủ cơ sở để giải ngân cho gói thầu cơ khí cửa van cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô lên UBND TP.HCM” – ông Fernando Requena cho biết.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ chính thức dừng hoạt động vào tháng 4. Đây là một trong những dự án trọng yếu cho chương trình đột phá giảm ngập nước của TP. Dự án sẽ giúp kiến tạo sự đổi thay hạ tầng và nâng cao chất lượng sống cho gần 7 triệu người dân của khu vực 570 km2 thuộc bờ hữu sông Sài Gòn (quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè).
Tính đến ngày 31/7, dự án đã thi công đạt 72% khối lượng. Tư vấn giám sát hợp đồng đã xác nhận giải ngân 3.483 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 3.232 tỷ đồng (tương đương 46,5%). Giá trị đã giải ngân (bao gồm tạm ứng) là 4.840 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 803 tỷ và vốn vay là 4.037 tỷ) và giá trị khối lượng hoàn thành là 5.690 tỷ đồng. Giá trị chưa được giải ngân là 850 tỷ đồng.
Ngoài vướng mắc về vốn, dự án còn gặp vấn đề trong giải phóng mặt bằng. Dự án ảnh hưởng tới 236 hộ gia đình và 29 tổ chức, doanh nghiệp nhưng đến nay mới có 154 hộ và 25 tổ chức đã bàn giao mặt bằng.
Kim Long
Xem thêm:
Từ khóa TP.HCM dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt