Trong tổng 14.620 tỷ đồng “tiết kiệm” năm 2021, Chính phủ dự kiến sử dụng 1.900 tỷ đồng để chi hỗ trợ kinh phí phòng ngừa dịch COVID-19 cho Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an và 3.000 tỷ đồng cho 3 tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Tại báo cáo thẩm tra gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể căn cứ đề xuất phân bổ nói trên, đồng thời tính toán chi hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ.

24 08 2021 xuc dong hinh anh chien si bo doi giup dan luc kho khan
Riêng Quân khu 7, từ ngày 26/7-15/9, gần 4.000 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 5 đã được huy động vào TP.HCM để hỗ trợ trong dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: thanhuytphcm.vn)

Chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý cho Chính phủ chuyển 14.620 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 vào dự phòng ngân sách Trung ương để chi cho công tác phòng ngừa dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Trước khi quyết định trên được đưa ra, tại báo cáo thẩm tra gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, ngân sách đã khuyến nghị nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với Chính phủ cho phép chuyển 14.620 tỷ vào dự phòng ngân sách Trung ương để sử dụng cho phòng, chống dịch bệnh (theo mục 2 của Nghị quyết 30) thì căn cứ vào khoản 3 Điều 10 Luật Ngân sách Nhà nước, Chính phủ sẽ được quyền chủ động quyết định phương án phân bổ, sử dụng nguồn này và báo cáo Quốc hội việc thực hiện tại kỳ họp gần nhất.

Mục 2 Nghị quyết 30 quy định: “Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ kinh phí hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Khoản 3 Điều 10 Luật Ngân sách Nhà nước quy định: “Thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước: a) Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, định kỳ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Do về cơ bản, các khoản trong tổng 14.620 tỷ đồng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 đều thuộc phạm vi quy định tại mục 2 Nghị quyết 30, nên Ủy ban Tài chính, ngân sách khuyến nghị cho phép chuyển và để Chính phủ chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về tính tuân thủ, bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích đối với khoản ngân sách dự phòng.

Trong 14.620 tỷ đồng “tiết kiệm”, có 3.000 tỷ do người dân không được nhận hỗ trợ

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng 14.620 tỷ đồng cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021, gồm: cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2021 là 7.420 tỷ đồng; giảm chi trả nợ lãi của ngân sách Trung ương năm 2021 là 4.200 tỷ đồng; kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ còn dư là 3.000 tỷ đồng.

7.420 tỷ đồng từ cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2021 được xác định từ tiết kiệm 50% kinh phí hội nghị, công tác phí (trong và ngoài nước) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác; cắt giảm chi do phân bổ chậm hoặc phân bổ không đúng đối tượng; cắt giảm kinh phí chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu năm 2021.

Đối với 4.200 tỷ đồng từ giảm chi trả nợ lãi, Ủy ban Tài chính, ngân sách xác định đây thực chất là khoản có được do cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất vay, phát hành trái phiếu Chính phủ theo tiến độ thực hiện, do đó số chi trả lãi đã giảm so với kế hoạch. Việc đồng ý đưa vào tổng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 là để “góp phần giảm áp lực chi ngân sách Trung ương”.  

Riêng với 3.000 tỷ đồng từ kinh phí hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/2020, theo Ủy ban Tài chính, ngân sách, “về bản chất, số tiền trên không phải là nguồn tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021”, mà do việc tổ chức của Chính phủ chưa kịp thời dẫn đến số tiền hỗ trợ thực tế thấp hơn nhiều so với số dự kiến, người thuộc nhóm được hỗ trợ nhưng hết thời hạn vẫn không được hỗ trợ, dẫn đến dư nguồn.

Nghị quyết số 42 gắn liền với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng do Chính phủ bắt đầu từ tháng 5/2020 (thực hiện theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng).

Đến tháng 6/2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết tính đến ngày 27/5/2021, đã chi hỗ trợ bằng tiền mặt cho trên 14,4 triệu người với tổng kinh phí trên 32.694 tỷ đồng. So với nguồn kinh phí khi đề xuất gói hỗ trợ là khoảng 61.580 tỷ đồng, kết quả thực hiện chỉ đạt hơn 53% so với kế hoạch.

Tháng 8/2020, báo Phụ Nữ TP.HCM dẫn ý kiến của bà Nguyễn Thu Hương – Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho hay các quy định về điều kiện hưởng trong gói hỗ trợ trên tạo ra các khó khăn cho cả 2 nhóm: người lao động tự do và người lao động có giao kết hợp đồng lao động (lao động chính thức), do các điều kiện “có đăng ký thường trú hoặc tạm trú”, “nghỉ việc từ 1 tháng liên tục”, “đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”, “làm việc tại các doanh nghiệp không có tài chính để trả lương… do ảnh hưởng của COVID-19”.

Chính phủ dự kiến hỗ trợ 1.000 tỷ cho Bộ Quốc phòng, 900 tỷ cho Bộ Công an

Tại tờ trình số 331 ngày 16/9 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết một số bộ, địa phương đề nghị bổ sung kinh phí chi phòng chống dịch COVID-19 (bao gồm cả chế độ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch do địa phương ban hành), trong đó Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung 2.000 tỷ đồng, Bộ Công an đề nghị bổ sung 2.482 tỷ đồng, UBND TP.HCM đề nghị hỗ trợ 27.968 tỷ đồng, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị hỗ trợ 7.645 tỷ đồng.

Theo đó, Chính phủ dự kiến trước mắt sử dụng 4.900 tỷ đồng từ khoản tiết kiệm 14.620 tỷ đồng để chi hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch cho: Bộ Quốc phòng (1.000 tỷ đồng), Bộ Công an (900 tỷ), TP.HCM (2.000 tỷ), Bình Dương (500 tỷ), Đồng Nai (500 tỷ).

Khoản hỗ trợ cho hai bộ Quốc phòng và Công an không được giải trình. Với khoản hỗ trợ cho 3 tỉnh nêu trên, Chính phủ cho hay các tỉnh này phải tự lo toàn bộ kinh phí phòng chống dịch (theo Quyết định 482 ngày 29/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ), nhưng do các địa phương đã cơ bản sử dụng hết các nguồn dự phòng ngân sách địa phương, Quỹ dự trữ tài chính, cắt giảm, tiết kiệm chi… nên Trung ương hỗ trợ thêm.

Về khoản dự kiến chi nói trên, Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng “căn cứ xác định đối tượng được phân bổ và mức phân bổ là chưa cụ thể”, từ đó, cho rằng Chính phủ cần báo cáo cụ thể về căn cứ đề xuất phân bổ nói trên, mức độ đáp ứng, tác động, hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính, ngân sách lưu ý theo tình hình thực tế, mức độ hỗ trợ đối với những người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có đội ngũ y, bác sĩ còn hạn chế.

Do đó, Chính phủ cần tính toán, phương án hỗ trợ đối với nhóm người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh, và nhiều địa phương khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Vĩnh Long

Xem thêm:

https://trithucvn2.net/blog/goc-nhin-cuoc-song/giot-nuoc-trong-bien-buon-sai-gon-nhung-ngay-covid.html