Dùng ‘chiêu’ tinh vi chiếm mã OTP, nghi phạm gây ra 7 vụ lừa đảo liên tỉnh
- Ngọc Mai
- •
Ngoài vụ lừa đảo chiếm đoạt chiếc điện thoại Iphone 13 Promax, nghi phạm còn gây ra 6 vụ lừa đảo khác tại 6 tỉnh thành, chiếm đoạt tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng.
- Tin nhắn “Link kiểm tra tiếng Anh”, chiêu lừa đảo mới nhắm vào phụ huynh
- ‘Dịch vụ hẹn hò online’ – thủ đoạn lừa đảo mới
Ngày 2/6, Công an huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) cho biết vừa bắt giữ Phan Anh Tuấn (SN 1997, trú phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) để điều tra về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, ngày 14/5, anh Đỗ Thế Hiển (SN 2005, trú xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, Bình Định) đến Công an huyện Ea Kar trình báo về việc bị kẻ gian chiếm đoạt mất chiếc điện thoại Iphone 13 Promax.
Theo đơn, ngày 11/5, anh Hiển lên trang thương mại điện tử “Chợ tốt” rao bán chiếc điện thoại Iphone 13 Promax của mình và để lại số điện thoại cá nhân để khách liên hệ.
Hôm sau (ngày 12/5), có một khách (là Phan Anh Tuấn) liên hệ qua Zalo với anh Hiển, thỏa thuận mua chiếc điện thoại Iphone 13 Promax với giá 19 triệu đồng và nhận hàng qua dịch vụ giao hàng tiết kiệm thu hộ tiền tại chi nhánh huyện Ea Kar.
Trưa ngày 14/5, khi nhân viên Bưu cục giao hàng tiết kiệm Ea Kar gọi điện báo nhận hàng thì Tuấn từ chối, nói đang bận sẽ nhận sau. Đến chiều cùng ngày, Tuấn giả danh nhân viên bưu cục gọi cho anh Hiển 2 lần, yêu cầu cung cấp mã OTP để xác nhận thông tin liên quan đến gói hàng.
Nhận được mã OTP từ anh Hiển, Tuấn đã chiếm dụng tài khoản của anh Hiển trong app giao hàng tiết kiệm, thay đổi mật khẩu, số điện thoại, chỉnh giá thu trong hệ thống từ 19 triệu xuống còn 213.000 đồng.
Đến 15h25 cùng ngày, Tuấn đến Bưu cục Giao hàng tiết kiệm Ea Kar đưa hình ảnh mã đơn hàng đã chỉnh sửa cho nhân viên giao hàng xem. Sau khi kiểm tra trên hệ thống và thấy các thông tin đều trùng khớp nên nhân viên đã giao gói hàng cho Tuấn.
Ngày 29/5, cơ quan công an xác định nghi phạm Phan Anh Tuấn là người gây ra vụ lừa đảo trên nên bắt giữ.
Qua điều tra xét hỏi, nghi phạm Tuấn đã thừa nhận hành vi lừa đảo của mình.
Nghi phạm Tuấn khai trước đó, với thủ đoạn tương tự, nghi phạm đã gây ra 6 vụ lừa đảo khác, tại các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thanh Hoá, Đắk Nông, Đắk Lắk và TP.HCM, chiếm đoạt tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng.
Từ khóa công an tỉnh Đắk Lắk lừa đảo chiếm đoạt tài sản lừa lấy mã OTP