Hà Giang: Bê bối điểm thi, trụ sở nghìn tỷ và đạo của người làm quan
- Tuệ Minh - Lê Trai
- •
Bậc thánh nhân có dạy, bậc làm quan có đức là điều dân mong mỏi, vô đức thì chẳng được gì, mất đức sẽ mất hết. Người làm quan nếu thấu tỏ luật nhân quả, dùng đức để tu dưỡng bản thân và cai quản thì muôn dân mới được nhờ, lòng dân mới an định, cũng chẳng sợ thế lực thù địch nào chống phá. Đó thực ra mới là phúc lành để lại cho con cháu muôn đời sau.
Bà Lò Thị U (54 tuổi, người thôn Tùng Nùn huyện Quản Bạ) vẫn chưa hết bàng hoàng kể về cơn lũ đến đột ngột trong một đêm cuối tháng 6 vừa qua, cuốn bay căn nhà của bà và 3 căn liền kề nằm dưới chân đồi.
Bà cùng chồng và hai đứa cháu kịp thời thoát ra khỏi căn nhà trước khi lũ quét. Nhưng vài người trong thôn đã không may mắn như thế. Đã có 3 người trong thôn thiệt mạng do không chạy lũ kịp.
Đợt mưa lũ cuối tháng 6/2018 ở tỉnh Hà Giang đã khiến hơn 800 ngôi nhà bị ngập, hàng chục ngôi nhà bị sập hoàn toàn hoặc lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại ban đầu hàng chục tỷ đồng.
Năm nào cũng vậy, mỗi mùa mưa lũ đến, các tỉnh miền núi nói chung và Hà Giang nói riêng không năm nào không chịu những thiệt hại nặng nề về người và của, đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh không nhà cửa và một tương lai mịt mờ, bất định.
Cho đến nay, Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, thường xuyên phải nhận hỗ trợ gạo cứu đói. Có tới 6 trong tổng số 11 huyện của tỉnh Hà Giang thuộc diện huyện nghèo đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh còn hơn 60 nghìn hộ nghèo và 25 nghìn hộ cận nghèo.
Có lẽ vì lý do đó mà chuyện tỉnh Hà Giang lập đề án xây khu phức hợp trụ sở làm việc các cơ quan hành chính của tỉnh có trị giá gần 700 tỷ đồng (kể cả lãi là hơn 1.000 tỷ đồng) thu hút sự chú ý của dư luận, mặc dù chưa được Chính phủ thông qua.
Nếu nhìn bề ngoài, khu trụ sở hiện tại của UBND tỉnh vẫn là một trong những tòa nhà to, kiên cố và đẹp nhất của Tp. Hà Giang.
Nếu so với hàng trăm gia đình mất nhà cửa sau mưa lũ, cái ăn chạy lo từng bữa, với hàng chục nghìn hộ nghèo, đề xuất trên có lẽ không thể hiện được gì khác ngoài sự thờ ơ và vô tâm với cuộc sống người dân của các lãnh đạo tỉnh.
Trong khi địa phương luôn thuộc diện “nghèo bền vững”; ngân sách thường xuyên thiếu hụt tới 80%, “quyết tâm” xây trụ sở nghìn tỷ không chỉ dừng lại ở việc “nghèo mà muốn xài sang”, mà còn là sự thiếu trách nhiệm và thậm chí là thiếu cả lương tâm của những người đứng đầu một tỉnh.
Bậc làm quan, theo đạo của người xưa, không phải để hưởng thụ lợi ích cá nhân hay thỏa mãn danh vọng quyền lực, mà là mang trên thân trọng trách chăm lo cho đời sống nhân dân.
Để người dân lầm than, nghèo khổ, không thể đổ cho thiên tai hay đặc thù địa phương thiếu thốn tài nguyên, mà bậc làm quan cần thấy trước tiên đó là trách nhiệm của bản thân mình, càng không thể vung tay tiêu xài lãng phí phục vụ cho lợi ích của nhóm chức.
Năm xưa trời mưa gây ngập úng nặng, vua Lê Thánh Tông đã cảm thán mà nói rằng: “Vì chính trị thiếu sót nên trời làm tai biến, đó là lỗi của trẫm mà thành ra thế, chứ nhân dân có tội gì đâu. Có phải vì trẫm đức tín chưa khắp đến dân, lòng thành chưa thấu đến trời mà đến thế chăng?” (Đại Việt sử ký toàn thư).
So với các quan thời nay, khi trách nhiệm cá nhân còn là một khái niệm mơ hồ, thì đức và tài của bậc quân vương thời xưa có lẽ đã cách xa nghìn dặm.
Vẫn biết nhiều khi nguyên nhân xuất phát từ những vấn đề rộng lớn hơn và một cá nhân chỉ là một thực thể nhỏ bé tồn tại và hoạt động trong môi trường đó.
Song sự dối trá gây phẫn nộ gấp đôi trong công chúng khi thay vì phản kháng với sự phi lý, người ta lại đồng lõa với nó, dùng quyền lực để “tuyên ngôn” tạo nên tấm áo choàng vô can, lấp lánh màu liêm khiết.
Trong “cơn lũ” gian dối nâng điểm của tỉnh nhà, con gái được nâng đến 5,4 điểm, hai cháu họ cũng được nâng điểm, Bí thư Tỉnh ủy – người đứng đầu các cơ quan đảng thuộc tỉnh – Triệu Tài Vinh khẳng định bản thân không biết, không chỉ đạo việc này.
Ông thấy buồn khi con gái “bị” sửa điểm thi. Ông đề nghị báo chí cần tìm hiểu thêm thông tin để “minh oan” cho con gái mình. Ông “nhắc” Hội đồng thi quốc gia cần rút kinh nghiệm và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải rút kinh nghiệm.
Không biết nỗi buồn của vị Bí thư vì con gái nằm trong danh sách bị nâng điểm có giống “nỗi buồn” của ông trước đây khi hơn chục người trong gia đình mình ”một mực” được bầu và bổ nhiệm làm các chức vụ lãnh đạo trong tỉnh hay không?
Chỉ có điều, nỗi buồn ấy chắc chắn khác xa với nỗi buồn của hàng trăm thí sinh, hàng trăm gia đình ngấm ngầm bị “tử thí” trong một cuộc đua không phải giữa những người bạn cùng trang lứa mà với một thế lực nhiều tầng cấp nắm quyền chỉ đạo.
Những tương lai đang bị đoạt mất cơ hội kiến lập. Hơn 300 bài thi tốt nghiệp THPT được nâng điểm đồng nghĩa với hơn 300 thí sinh khác bị tước quyền được học hành, được nỗ lực, được một lần tin rằng chỉ cần cố gắng, tương lai dân làng họ sẽ không còn những cơn khóc gào vì đói ăn, lũ quét.
Nhưng nếu vẫn phải đặt trong bối cảnh, thì phải chăng “nỗi buồn” của vị quan đang được đưa ra để cứu chuộc lấy niềm tin của người dân đang bị quét sạch từ những cơn lũ bùn đỏ tới cơn lũ của xảo trá?
Nếu vậy, thì dù chỉ là một thực thể trong đó, xin đừng để sự dối trá được lặp lại nhiều lần. Đừng đi ngược dòng với điều nghĩa. Con người dù có quyền lực hay nhiều mối quan hệ tới mấy, cũng không thể vượt qua được quy luật của tạo hóa. Không ai vi phạm quy luật về nhân quả mà có thể phát triển tốt đẹp cả.
Bậc thánh nhân có dạy, bậc làm quan có đức là điều dân mong mỏi, vô đức thì chẳng được gì, mất đức sẽ mất hết. Người làm quan nếu thấu tỏ luật nhân quả, dùng đức để tu dưỡng bản thân và cai quản thì muôn dân mới được nhờ, lòng dân mới an định, cũng chẳng sợ thế lực thù địch nào chống phá. Đó thực ra mới là phúc lành để lại cho con cháu muôn đời sau.
Tuệ Minh – Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh gian lận điểm thi Hà Giang trụ sở nghìn tỷ điểm thi bất thường tại Hà Giang