Hà Nội sắp xây dựng nhà hát Hoa Sen lớn nhất thành phố
- Nguyễn Quân
- •
Nhà hát Hoa Sen được xây dựng trên diện tích khoảng 4ha, có quy mô 6 tầng, 2.000 chỗ ngồi. Thành phố dự kiến đây sẽ là nhà hát lớn và hiện đại nhất Thủ đô.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, thành phố đã phê duyệt tổng mặt bằng và phương án kiến trúc của nhà hát Hoa Sen gắn với công viên hồ điều hòa CV1 thuộc Yên Hòa (Cầu Giấy) và Mỹ Đình (Nam Từ Liêm).
Nhà hát Hoa Sen nằm trong công viên hồ điều hòa CV1 – là một trong những hồ điều hòa lớn bậc nhất tại Hà Nội. Dự án đã được thành phố khởi công đầu năm 2017 theo hình thức BT, có tổng diện tích gần 32ha, nằm trên địa bàn 2 quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy (khu vực giao cắt giữa đường Dương Đình Nghệ và đường Phạm Hùng). Dự án được duyệt với tổng mức đầu tư 938 tỷ đồng, dự kiến quý 4/2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nhà hát Hoa Sen được thiết kế theo hình dáng bông sen nổi trên mặt nước – do Công ty Decibel (Úc) thực hiện. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, dự án sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 4 ha, quy mô 6 tầng, cao 54m. Dự kiến công suất nhà hát khoảng 2.000 chỗ ngồi, còn xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hàng ngày.
Theo thiết kế, nhà hát có hệ thống văn phòng, rạp chiếu phim, sân trượt băng, chuỗi nhà hàng, khu vui chơi giải trí… dự kiến trở thành nhà hát lớn và hiện đại nhất Thủ đô.
Dự án được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá, dự kiến khánh thành, đưa vào sử dụng vào tháng 10/2019.
Hà Nội sẽ xây dựng 25 công viên trong 5 năm tới
Tháng 5/2016, tại buổi đón tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trong 5 năm tới Hà Nội sẽ trồng thêm 1 triệu cây xanh, xây 25 công viên trong đó có 5 công viên đạt tiêu chuẩn thế giới.
Ngoài dự án nhà hát Hoa Sen, trong năm nay, thành phố Hà Nội có thể sẽ khởi công xây dựng nhà hát Opera và khu giải trí tại khu vực Đầm Trị (Hồ Tây). Dự án có nguồn vốn xã hội hóa, có tổng diện tích 24 ha.
Cũng trong năm 2017, thành phố dự kiến hoàn thành 4 công viên gồm: công viên hồ điều hòa Mai Dịch, công viên Nhân Chính, công viên Khu đô thị mới Dương Nội ký hiệu CX-05, công viên hồ điều hòa Phùng Khoang. Trong năm 2019, Hà Nội sẽ hoàn thành công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy thuộc huyện Đông Anh. Từ nay đến năm 2020, Hà Nội dự kiến sẽ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng thêm 11 công viên.
Ngoài các dự án công viên, trong các tháng cuối năm 2017, thành phố Hà Nội đang tập trung xúc tiến các dự án khu vui chơi giải trí tích hợp trường đua ngựa, gồm Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa Sóc Sơn – Hà Nội (420 triệu USD); Dự án Câu lạc bộ Trường đua ngựa Việt Nam (200 triệu USD); Công viên giải trí và trường đua ngựa quốc tế Hà Nội (393 triệu USD); Dự án Trường đua ngựa Chamrvit Hà Nội (360 triệu USD).
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố đang thương thảo với các tập đoàn nước ngoài đưa một số giải thể thao lớn về Việt Nam thi đấu để thu hút khách du lịch.
Trước đó, theo Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố vào tháng 3/2014, trong khu vực nội đô sẽ có tổng 60 công viên, vườn hoa đô thị (trong đó có 18 công viên, vườn hoa xây mới; cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có).
Tổng diện tích trồng cây xanh đô thị là 13.520,19 ha (gồm hơn 10,3 nghìn ha trong TP trung tâm, 2550 ha tại đô thị vệ tinh, 420 ha tại thị trấn sinh thái).
Kinh phí đầu tư cho quỹ đất cây xanh đô thị trên toàn thành phố là 270.404 tỷ đồng. Kinh phí trồng cây xanh trong các đơn vị ở sẽ được xác định theo các dự án cụ thể.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa nhà hát Opera công viên Hà Nội