Hà Nội đề xuất vay ODA, đổi 6.000 ha đất làm đường sắt đô thị: Tính sao khi dự án đội vốn, chậm tiến độ?
- Nguyễn Quân
- •
Bộ GTVT vừa đồng ý với đề xuất ưu tiên xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội từ nay đến năm 2020.
Ba dự án gồm tuyến số 2: đoạn Nội Bài đi Nam Thăng Long (18km) và đoạn Thượng Đình – Vành đai 2,5 – Bưởi (7km); tuyến số 5: đoạn Văn Cao – Hòa Lạc (38,4km); tuyến số 3: đoạn Nhổn – Trôi – Đan Phượng (5,9km).
Tổng mức đầu tư 3 đoạn tuyến ước tính là 5.118 tỷ USD, huy động từ nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn khác theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay.
Tuy nhiên, trước thực tế cả hai dự án đường sắt đô thị đang triển khai của Hà Nội đều bị đội vốn hàng nghìn tỷ đồng, chậm tiến độ, phương án vay tiền, đổi đất để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng của TP liệu có vì lợi ích của người dân?
Mỗi km đường sắt đô thị tốn gần 2.186 tỷ đồng
Cuối tháng 6 vừa qua, UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 tuyến đường sắt đô thị có tổng chiều dài hơn 417km, trong đó 342,2 km sử dụng cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, hơn 75km đi ngầm.
Trong đó, hai tuyến do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, 8 tuyến do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD. Nhu cầu vốn trong từng giai đoạn từ 2017 – 2020 là 7,55 tỷ USD; từ 2021 – 2025 là 7,6 tỷ USD; từ 2026 – 2030 là 3,56 tỷ USD; sau năm 2031 là 21,3 tỷ USD.
Suất đầu tư bình quân cho mỗi km đường sắt đô thị lên tới 96,057 triệu USD, tương đương hơn 2.186 tỷ đồng…
10 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội dự kiến triển khai trong thời gian 3 năm tới:
|
Vay ODA và đổi đất để làm dự án
Về nguồn vốn triển khai 10 dự án đường sắt đô thị, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hai phương án. Phương án thứ nhất, đề nghị Chính phủ bố trí vốn ODA để thực hiện các dự án có kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2017 – 2020, 2020 – 2025 và các năm tiếp theo.
Phương án thứ hai, đề nghị Chính phủ bố trí vốn ODA cho tuyến số 2 và tuyến số 3 (tổng đầu tư khoảng 2,344 tỷ USD; các tuyến còn lại do Hà Nội thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Đáng chú ý, UBND TP kiến nghị bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020 khoảng 6.000 ha đất, với tổng giá trị sử dụng đất khoảng 300.000 tỷ đồng, để làm quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư và đấu giá quyền sử dụng đất tại vốn thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông theo hình thức PPP, trong đó có các dự án đường sắt đô thị.
Ngoài ra, TP đề xuất sẽ đấu giá bán, cho thuê các quỹ đất chuyên dùng, nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, trụ sở các cơ quan, đơn vị thành phố dôi dư khi sắp xếp lại, trị giá khoảng 15.000 tỷ đồng; đồng thời đề xuất được sử dụng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố, trong đó riêng 2016-2020 là khoảng 22.500 tỷ đồng để đầu tư đường sắt đô thị.
Hiện Hà Nội đang triển khai hai dự án tuyến đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh – Hà Đông và tuyến Nhổn – ga Hà Nội. Tuy nhiên, cả hai dự án đều đội vốn hàng nghìn tỷ đồng, chậm tiến độ nhiều năm. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có số vốn phê duyệt năm 2008 là 552,86 triệu USD, tới 2016, điều chỉnh tăng lên tới 868,04 triệu USD, lùi tiến độ khai thác toàn tuyến 15 tháng. Dự án Nhổn – ga Hà Nội đội vốn từ 18.408 tỷ lên 36.000 tỷ đồng và chưa ấn định được khi nào hoàn thiện (khởi công từ 2006).
Việc các dự án đường sắt đô thị đội vốn, chậm tiến độ dẫn đến trượt giá, chịu lãi vay lớn chưa kể chất lượng công trình khiến phương án đổi đất lấy dự án gây lo ngại. Đổi bao nhiêu đất để đủ số vốn làm đường sắt trên cao? Thành phố sẽ rơi vào thế bí khi suất đầu tư bị đẩy lên cao nhưng giá đất lại bị định giá thấp.
Ngoài ra, con số 6.000 ha là diện tích đất rất lớn. Theo Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020 của Hà Nội, tổng diện tích đất chưa sử dụng được đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2016-2020 là 5.286 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm diện tích lớn nhất 2.489 ha, tiếp đến là đất rừng sản xuất 715 ha. Vậy thì diện tích 6.000 ha sẽ được lấy từ quỹ đất nào? Trong khi không phải đất nào cũng có vị trí đẹp để mang ra đấu giá để chi trả cho các nhà đầu tư.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa vốn ODA dự án đường sắt đô thị đối tác công tư PPP