Đến trung tuần tháng 4/2021, tại tỉnh Hà Tĩnh, tất cả 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi sau khi bùng phát trở lại đã lây lan ra 11/13 huyện, thị xã, thành phố.

viem da noi cuc trau bo 1
Một con bò cái nặng 491 kg, đã gần đến ngày sinh bị chết do viêm da nổi cục của hộ gia đình anh Đinh Quốc Đạt (ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) phải mang tiêu hủy trong đêm, 29/3/2021. (Ảnh: ductho.hatinh.gov.vn)

Theo tin từ báo địa phương – Báo Hà Tĩnh, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò bắt đầu xuất hiện từ khoảng tháng 12/2020 tới nay đã bùng phát khắp 13/13 huyện, thị, thành phố của Hà Tĩnh. Tính đến ngày 6/4, gần 9.000 con trâu, bò của hơn 6.000 hộ đã mắc viêm da nổi cục trên trâu, bò; 849 con với tổng trọng lượng 94,6 tấn đã chết, tiêu hủy.

Trong khi đó, lũy kế đến ngày 5/4, toàn tỉnh này có gần 5.000 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi ốm chết, buộc phải tiêu hủy. Bình quân mỗi ngày từ 100-500 con lợn phải tiêu hủy ở tỉnh này. Gần 1.600 hộ chăn nuôi ở các huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Kỳ Anh, Hương Sơn, Can Lộc, Nghi Xuân, Vũ Quang, TP Hà Tĩnh bị ảnh hưởng. Theo VOV, con số này tính đến ngày 16/4 đã tăng lên hơn 7.500 con, lan ra 11/13 huyện, thị xã, thành phố của Hà Tĩnh; duy nhất còn 2 huyện, thị xã phía bắc chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi là thị xã Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được xác định lây lan qua ruồi, muỗi, ve, mòng. Trâu, bò mắc bệnh sẽ xuất hiện với các triệu chứng sốt cao, chướng bụng, nổi những cục lớn trên toàn thân. Sau nhiều ngày, những cục sần bắt đầu hoại tử khiến trâu, bò bị chết.

dich ta lon chau phi
Cán bộ Trung tâm ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện lấy mẫu bệnh phẩm lợn chết gửi Chi cục Thú y Vùng III Nghệ An để xét nghiệm. (Ảnh: ductho.hatinh.gov.vn)

Còn lợn bệnh tả lợn châu Phi, nếu ở thể quá cấp tính có thể chết ngay, không biểu hiện triệu chứng hoặc nằm sốt cao và chết. Nếu ở thể cấp tính, lợn  sốt cao (40,5 – 42ºC), không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể xuất hiện màu sẫm xanh tím; tỷ lệ chết 100% trong vòng 6 – 13 ngày hoặc 20 ngày…, theo khuyến cáo của Cục Thú y.

Anh Hoàng Văn Dũng, một cán bộ thú y xã Sơn Lộc cho biết: “Đợt bùng phát trở lại này, diễn biến của dịch tả lợn châu Phi trở nên khó khống chế bởi diễn biến nhanh. Hầu như lợn chết ngay sau khi phát hiện bị bệnh trong vòng 1 ngày nên chúng tôi không kịp trở tay”.

Số lượng lợn, trâu, bò chết hàng loạt khiến người dân và chính quyền choáng váng. Nhiều biện pháp giảm thiểu lây lan đang được áp dụng. Tại huyện Lộc Hà từ ngày 11-16/4, gần 1.000 lít hóa chất Vetvaco-Iodine (tác dụng sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi) và gần 100 tấn vôi bột (huyện và xã mua khoảng 50 tấn, còn lại người dân tự mua) đã được sử dụng để tổng vệ sinh tiêu độc, ngăn ngừa dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi lây lan.

viem da noi cuc trau bo
Một con bê 4 tháng tuổi bị chết do mắc viêm da nổi cục trâu, bò, ngày 29/3 tại hộ chăn nuôi của anh Phan Sơn (ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). (Ảnh: ductho.hatinh.gov.vn)

Tại huyện Đức Thọ, số trâu, bò mắc bệnh tăng dồn dập, từ 2 con phát hiện ngày 23/3 tăng lên 486 con tính đến 31/3, bùng phát trên toàn 16/16 xã, thị trấn. Ngày 31/3, huyện này đồng loạt tiêm vắc-xin để phòng bệnh cho 12.000/17.000 con (5.000 con dưới 3 tháng tuổi không phải tiêm). Ngoài ra, mỗi thôn sẽ được cấp 1,5 tấn vôi bột, 200 lít hóa chất để các hộ chăn nuôi tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, theo báo Hà Tĩnh.

Hiện không chỉ người chăn nuôi bị ảnh hưởng, mà thị trường cũng bị tác động do người tiêu dùng lo sợ ăn phải thịt lợn trâu, bò, lợn mắc bệnh. Nhiều kiot bán thịt lợn, bò đã ngừng bán, nhiều quán phở bò nổi tiếng phải tạm đóng cửa do lượng tiêu thụ kém, theo ghi nhận của báo Tiền Phong ngày 20/4/2021.

Báo này dẫn lời ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh nhận định bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò là căn bệnh gây nguy hiểm cho đàn trâu bò nhưng không gây nguy hiểm, lây lan sang người.

Đưa ra ý kiến tương tự, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) ngày 15/4 khẳng định “bệnh này không lây nhiễm và gây bệnh ở người”, theo báo Tuổi Trẻ. Cũng theo ông Long, dù không lây sang người song bệnh này đã hình thành 707 ổ dịch tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam (tính từ 10/2020 tới 15/4/2021), gần 1.800/22.397 con nhiễm bệnh đã chết và buộc phải tiêu hủy.

Tương tự, Cục Thú y xác nhận bệnh tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không được mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ các sản phẩm lợn chết, lợn dịch. Không được phép chữa trị khi lợn có dấu hiệu mắc dịch tả lợn châu Phi và phải báo ngay cho cơ quan chức năng để tiêu hủy.

Nguyễn Sơn (T/h)

Xem thêm:

‘Dịch tả lợn châu Phi lan 48 tỉnh, thiệt hại vô cùng lớn’