HIV tại Việt Nam: Tăng hơn 13.000 người/năm, báo động ở nhóm nam quan hệ đồng giới
- Sơn Nguyên
- •
Giữa hàng loạt con số cảnh báo được đưa ra, thông tin cảnh báo cần chú ý là hình thái lây lan HIV tại Việt Nam đang thay đổi. Đường lây trước đây chủ yếu qua đường tiêm chích ma túy, nay 50% người nhiễm mới rơi vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong các trường hợp nhiễm mới HIV, có 85% là nam giới…
- TP.HCM: 76% số ca nhiễm HIV mới là do quan hệ đồng tính nam
- Nghiên cứu: Quan hệ tình dục đồng tính nam làm lây lan bệnh đậu mùa khỉ là chính
85% người được phát hiện nhiễm HIV mới là nam giới
Tại lễ Mít tinh Hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS năm 2022 (ngày 1/12), tổ chức vào sáng 26/11 tại Bắc Ninh, nhiều thông tin đáng chú ý về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam được đưa ra.
Đại diện Bộ Y tế cho biết từ năm 2020 đến nay, dịch HIV đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam. Từ năm 2017 đến năm 2019, mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV, nhưng trong 2 năm gần đây, mặc dù dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV nhưng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện lên tới hơn 13.000 trường hợp mỗi năm.
Đáng chú ý, xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Trong các trường hợp nhiễm mới HIV, có 85% là nam giới và gần 50% trong độ tuổi trẻ (từ 16-29 tuổi).
Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, từ 2001 đến nay, việc triển khai các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã cứu được hơn 960.000 người không bị nhiễm HIV.
Con đường lây truyền chính là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 74,6% chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên trẻ.
Trong khi đó, theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi chỉ dưới 50%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi là gần 40%. Theo đó, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của Việt Nam là 80% người trong nhóm 15-49 tuổi đối với cả hai chỉ số trên.
Với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, có tới 14% nam giới trong nhóm tuổi 15-24 có quan hệ với nhiều hơn 1 người (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn). Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai…
Nói về tình hình thế giới, ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) châu Á-Thái Bình Dương cho hay xu hướng nhiễm mới HIV trên toàn cầu tiếp tục giảm.
Theo số liệu UNAIDS tính đến cuối năm 2021, thế giới hiện có khoảng 38,4 triệu người nhiễm HIV. Trong năm 2021, toàn thế giới có 1,5 triệu người nhiễm mới HIV và 650.000 người tử vong liên quan đến AIDS. Dịch HIV phân bố nhiều nhất ở châu Phi (khoảng 25,6 triệu người hiện nhiễm HIV).
Tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2022, số người nhiễm HIV đang còn sống là 220.580 người; 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong.
- Thảm sát tình dục – thảm họa toàn cầu P1: Hậu quả thể chất, tâm lý
- Thảm sát tình dục – thảm họa toàn cầu P2: Hậu quả về mặt xã hội
Ba tháng cuối năm 2022, ước tính thêm 3.000 người phát hiện nhiễm HIV
Hơn một tuần trước, tại cuộc gặp mặt báo chí về “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” và “Ngày thế giới phòng, chống AIDS” (ngày 1/12), do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức vào chiều 17/11, xu hướng và nguy cơ gia tăng số người nhiễm HIV tại Việt Nam thậm chí đã được đề cập một cách nguy cấp hơn.
Ths. Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết xu hướng nhiễm HIV mới và số tử vong trên toàn cầu tiếp tục giảm qua hằng năm, nhưng tốc độ chậm hơn rất nhiều so với những năm trước đây, tốc độ tử vong cũng giảm chậm hơn.
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 242.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, số xét nghiệm đang báo cáo hiện mắc là 220.580 người. Tích lũy từ năm 1990 đến nay, đã có 112.368 người tử vong do HIV/AIDS.
Theo ông Sơn, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện 9.025 người nhiễm HIV mới, 1.378 người tử vong; dự báo từ nay đến cuối năm, phát hiện khoảng 3.000 người nhiễm HIV.
Trong 3 năm gần đây, xu hướng phát hiện người nhiễm HIV mới đã tăng lên 13.000-14.000 người/năm. Số phát hiện mắc nhiều là các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM (28%) và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (26%).
Tính theo giới, tỷ lệ HIV mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm từ 84-86%). Đường lây HIV chủ yếu hiện nay là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính.
“Dịch HIV đã thay đổi hình thái, nếu như trước đây lây chủ yếu qua đường tiêm chích ma túy, thì nay 50% người nhiễm mới rơi vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); bạn tình của người nhiễm HIV trong nhóm này là những người có nguy cơ rất cao.
Tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM rất lớn, từ năm 2015 đến nay đã tăng gấp đôi, đây là quan ngại lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Dự báo HIV trong nhóm này tiếp tục gia tăng trong thời gian, bởi nhóm này lớn, các nguy cơ khác vẫn tồn tại và độ bao phủ điều trị dự phòng phơi nhiễm (PrEP) mới có 30.000 người”, ông Sơn bày tỏ lo lắng.
Đại diện Cục HIV/AIDS cho hay mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 khó thực hiện nếu không khống chế và giảm lây nhiễm được ở nhóm MSM và nhóm thanh, thiếu niên trẻ có quan hệ tình dục không an toàn.
“Người nhiễm HIV mới [có] khả năng lây nhiễm cao hơn 28 lần so với người nhiễm lâu vì giai đoạn này nồng độ virus cao. Khi phát hiện ca nhiễm mới, phải nhanh nhất để đưa những người này có nồng độ virus xuống thấp nhất để giảm lây nhiễm ra cộng đồng”, ông Sơn nhấn mạnh. Theo đó, cần phát hiện sớm người nhiễm mới để khống chế, khoanh vùng và kịp thời điều trị thuốc ARV để giảm tải lượng virus.
Từ khóa HIV/AIDS đồng tính nam nam quan hệ tình dục đồng giới MSM