PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng nâng cao kiến thức về rác là thách thức lớn đối với Việt Nam. 

hy vong nguoi dan vut rac ngoai duong se cam thay vuong tay
Túi nhựa, dây điện đặt ven chân cầu vượt tại Hà Nội. (Ảnh: Vietnam Stock Images/Shutterstock)

Hà Nội: Cứ mỗi người thải 8 lạng rác mỗi ngày

Tại “Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2023” diễn ra ngày 29/3, do báo Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức, ông Dương Trung Thành, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài nguyên và môi trường dẫn thông tin mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa, 13 triệu thùng dầu để sản xuất nhựa, 1 triệu chai nhựa được mua mỗi phút, 100.000 động vật biển bị chết vì rác thải nhựa mỗi năm. Khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới và được dự báo tới 1.124 triệu tấn nhựa vào năm 2050.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) – bà Hoàng Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn cho biết với khu vực đảm trách 16 quận, huyện tại Hà Nội, lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý năm 2022 trung bình là hơn 7.000 tấn/ngày, tương đương gần 0,8 kg/người/ngày; tỷ lệ tăng 5-10%/năm.

Theo bà Hạnh, việc thu gom, quản lý rác thải nhựa của công nhân vô cùng vất vả vì ngõ nhỏ; điểm tập kết rác rất hạn chế, không có quy hoạch điểm tập kết. Bên cạnh đó, rác thải nhựa thường cồng kềnh, khó vận chuyển và lưu kho; người dân đổ rác không có giờ…

Ngoài ra, đáng kể nhất là rác không được phân loại, tái chế.

“Chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên rác rất lớn. Bởi lẽ, ở nhiều quốc gia, rác được tái chế trong nền kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, ở Đài Loan, người dân làm rất bài bản, họ phân loại ngay trong gia đình thành rác vô cơ riêng, rác hữu cơ riêng. Người dân muốn đổ rác thì phải mua túi nilon, đó là phí bảo vệ môi trường”, bà Hạnh nói, dẫn tỷ lệ so sánh 42% rác thải nhựa tại Việt Nam chưa được quản lý đúng quy định.

Sẽ áp dụng chế tài về rác thải?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng nâng cao kiến thức của người dân là một trong những thách thức trong việc thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam khi trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu.

“Có một số chung cư đã bắt đầu thực hiện để 2 thùng rác nhưng để các hộ phân loại rác trước khi bỏ cũng là một thách thức lớn” – ông Thọ nói.

Ông Thọ cho hay Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã có rất nhiều chương trình để đưa việc phân loại rác thải nguồn xuống trường học, từng hộ. Trong đó, có 2 phương án để người dân thực hiện tốt, một mặt là tuyên truyền vận động, mặt khác là những chế tài như nếu phát thải thì phải trả tiền.

hy vong nguoi dan vut rac ngoai duong se cam thay vuong tay0
Một dòng sông đen tại Hà Nội. (Ảnh: Iveta kulhava/Shutterstock)

“Trong thời gian tới, trước mắt thực hiện chế tài liên quan đến phân loại rác từ 500-1 triệu đồng, đồng thời tuyên truyền cho người dân đổ rác đúng giờ, đúng chỗ. Ngoài ra cũng có những hình thức tuyên truyền tại các trường đại học, các trường phổ thông để các bạn quay về tuyên truyền cho gia đình. Tôi cũng mong công nhân môi trường, các cơ quan chức năng khi thấy người dân không đổ rác đúng giờ, đúng chỗ sẽ nhắc nhở từng người dân. Hy vọng chúng ta sẽ thực hiện tốt để sau này khi vứt rác ngoài đường sẽ cảm thấy vướng tay và tiếp đến là thấy rác sẽ nhặt và vứt đúng chỗ”, ông Thọ nói.

Ở cấp vĩ mô, ông Thọ thừa nhân trong nước, thiên tai, biến đổi khí hậu, suy thoái cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn… Mặc dù vậy, nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi xanh còn chưa thống nhất, chưa đầy đủ; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn thiếu hụt, chồng chéo; nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế…

“Trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải trả tiền cho tín chỉ carbon, phải trả tiền khi xả thải rác, gây ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của chúng ta là tăng hấp thụ carbon, từ rừng, từ biển. Chất lượng tín chỉ carbon phụ thuộc rất lớn vào các đơn vị bảo vệ rừng, bảo đảm các điều kiện an toàn về chất lượng sống của công nhân, người lao động” – ông Thọ cho hay.

Về kết quả các hoạt động dịch vụ an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường lao động, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Nguyễn Anh Thơ cho hay trong tổng số khoảng 8.805 đơn vị được quan trắc môi trường ước tính đến hết năm 2023, có khoảng 32% số đơn vị có ít nhất 1 yếu tố có hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động.

Trong quá trình quan trắc phát hiện ra một số yếu tố mới xuất hiện trong môi trường lao động mà Việt Nam chưa quy định ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp. Ông Thơ nói đây là căn cứ để đề xuất bổ sung, cập nhật vào danh sách ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp đối với các yếu tố có hại mới này.

Vĩnh Long