Khách du lịch quá đông đang là mối đe doạ đối với các di sản?
- Thuỷ Minh
- •
Ngành Du lịch Việt Nam sẽ có những bước phát triển như thế nào để vừa thu hút thêm khách du lịch, vừa cân đối với việc phát triển bền vững, bảo tồn các giá trị di sản.
Một công ty du lịch lữ hành không dám đưa khách đến Sa Pa nữa vì quá đông.
Đó là ý kiến chia sẻ của ông Hà Minh Đức – Tổng giám đốc một công ty du lịch tại chương trình Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam diễn ra vào ngày 5/12/2018 tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của 1.500 vị khách mời, chuyên gia thảo luận về phát triển bền vững du lịch.
Ông Hà Minh Đức cho biết mình có 12 năm kinh nghiệm làm du lịch lữ hành chuyên phục vụ khách châu Âu và công ty của ông hiện giờ không dám đưa khách đến Sa Pa. Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư đã thuyết trình và thảo luận về các vấn đề còn hạn chế của ngành du lịch Việt Nam và những giải pháp nhằm thu hút hơn nữa du khách quốc tế. Là khách mời của chương trình, ông Hà Minh Đức đưa ra quan điểm số lượng du khách quá đông lại đang chính là yếu tố kéo lùi du lịch Việt Nam: “Việt Nam có tài nguyên tuyệt vời, vị trí tuyệt vời nhưng lại khó khăn khi hạ tầng không đáp ứng được lượng khách”.
Theo ông Đức, chiến lược du lịch không nên đặt số lượng khách làm mục tiêu tăng trưởng mà cần nhấn mạnh vào chất lượng, làm thế nào để gia tăng tỷ lệ đóng góp vào GDP, kết hợp du lịch với bảo vệ môi trường, công tác quản lý.
Những con số tăng trưởng hấp dẫn
Năm 2018 được đánh giá là một năm thành công tốt đẹp của ngành du lịch Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2018, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục với 15,5 triệu lượt khách (tăng 19,9% so với năm trước), mang lại nguồn thu 620.000 tỷ đồng (tăng 21,4% so với năm 2017).
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, thành công lớn nhất của Năm Du lịch Quốc gia 2018 là tỉnh Quảng Ninh đã chủ động kêu gọi các nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn SunGroup, Vingroup, FLC, BIM… đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch tại các trung tâm du lịch.
Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông chất lượng như: Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Cao tốc Vân Đồn – Hạ Long, Cảng tàu biển du lịch quốc tế Hạ Long, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và các dự án khu nghỉ dưỡng, sân golf đẳng cấp liên tục được khai trương trong năm 2018 đã thay đổi hoàn toàn hình ảnh, diện mạo của du lịch Quảng Ninh, góp phần tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Năm 2018, riêng tỉnh Quảng Ninh đón 12,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 24% so với năm 2017), trong đó, khách quốc tế là 5,22 triệu lượt (tăng 22%), mang lại nguồn thu 23.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những con số tăng trưởng này mới phản ánh một mặt trong “bức tranh lớn” của ngành du lịch.
Quá tải số lượng khách du lịch và xử lý rác thải
Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Du lịch và Lữ hành toàn cầu năm 2017 cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có sự cải thiện điểm đáng kể nhất so với bảng xếp hạng năm 2015. Việt Nam tăng 8 bậc, lên vị trí 67 trong tổng số 136 quốc gia được xếp hạng.
Mặc dù vậy, trong khi nguồn lực du lịch tự nhiên của Việt Nam xếp thứ 34, nguồn lực văn hoá và du lịch doanh nghiệp xếp thứ 30 thì chỉ số bền vững môi trường lại xếp thứ 129. Việt Nam đạt điểm số rất thấp về bảo tồn rừng và xử lý nước thải với mức 0,1 – 0,2 trên thang điểm 7 (xếp thứ 103 và 107).
Trong khi nhiều chuyên gia đánh giá cao sự thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng ở Quảng Ninh mang đến nhiều hy vọng và thu hút nhiều du khách hơn tới vịnh Hạ Long thì tác giả Mercedes Hutton của tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) lại lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến sự quá tải, trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây vẫn đang tồn tại từ lâu.
Rác thải tràn ngập ở vịnh Hạ Long là nỗi ám ảnh của nhiều du khách cả trong nước và quốc tế. Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong chiến dịch thu gom rác trên biển với tên gọi: “Hành động vì một Hạ Long xanh” được thực hiện vào tháng 1/2017 bởi 106 tình nguyện viên tại khu vực Vụng Hà – vịnh Hạ Long (với chiều dài 1,1 km), 82% rác thải thu gom được là rác không thể tái chế.
Top 5 đồ vật/chất liệu rác thu gom được bao gồm: 66% nhựa dẻo, xốp; 12% chai nhựa; 5% dép cao su, dép tông; 4% túi nilon; 2% nắp chai nhựa và 10% là các vật khác. Trong đó, các phao xốp được xác định là từ các nhà nổi, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực Cát Bà trôi dạt sang.
Trong chiến dịch thu gom rác vào tháng 6/2018, sau một giờ đồng hồ, hơn 100 tình nguyện viên đã thu gom được 741 kg rác thải ở hai bãi: Cọc Chèo (chiều dài khoảng 150m) và bãi Áng Dù (chiều dài khoảng 100m). Trong đó, chiếm tới hơn 70% là các mảnh phao xốp.
Tháng 7/2018, theo yêu cầu của tỉnh Quảng Ninh, IUCN đã tuyển hai nhà tư vấn để nghiên cứu về phát triển du lịch và quản lý rác thải tại vịnh Hạ Long. Theo ý kiến tư vấn, những giá trị về địa chất của di sản hiện chưa bị đe doạ nhưng số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng cùng công tác quản lý du lịch và xử lý rác thải chưa hiệu quả sẽ là mối đe doạ lớn đến những giá trị thẩm mỹ của di sản.
Các nhà tư vấn thúc giục cần có hành động mạnh mẽ đối với việc quản lý rác thải nhựa và nước thải gây ô nhiễm từ khu vực đất liền, các tàu thuyền và các hoạt động trên biển khác.
Hai bãi biển đẹp hàng đầu châu Á buộc phải đóng cửa vì quá tải khách du lịch
Thái Lan nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, trong đó, vịnh Maya là một trong những vịnh biển đẹp hàng đầu châu Á.
Kể từ khi xuất hiện trong bộ phim The Beach (Bãi biển) do tài tử Leonardo DiCaprio đóng vai chính (phát hành vào năm 2000), vịnh biển này trở nên rất nổi tiếng và thu hút một số lượng lớn du khách. Mỗi ngày vào mùa cao điểm, bãi biển ở đây đón khoảng 5.000 lượt du khách trên hơn 200 tàu thuyền lớn nhỏ tới tham quan. Trong phạm vi chỉ dài 250m và rộng 15m, lượng du khách quá lớn đã gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển đa dạng, những rạn san hô đẹp và bãi cát trắng mịn.
Ngày 1/6/2018, Chính phủ Thái Lan đóng cửa tạm thời vịnh Maya và một phần vườn quốc gia Hat Noppharat Thara-Mu, dự kiến thời gian đóng cửa đến hết ngày 30/9. Trong thời gian này, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu đánh giá chất lượng môi trường nước biển, các nguồn tài nguyên biển, san hô, đánh giá về công tác kiểm soát môi trường và quản lý du lịch.
Sau thời gian 4 tháng tạm đóng cửa, kết quả đánh giá cho thấy mức độ vịnh Maya bị tàn phá thậm chí còn vượt xa tưởng tượng ban đầu. Giới chức địa phương cho biết các chuyên gia môi trường đánh giá rằng rất khó hoặc phải mất nhiều thời gian để có thể cứu vãn và phục hồi nguyên trạng vịnh Maya bởi bãi biển và hệ thực vật nơi đây đã bị huỷ hoại hoàn toàn.
Do những tổn hại này, đầu tháng 10/2018, Cơ quan Quản lý Vườn Quốc gia, động vật hoang dã và thực vật Thái Lan (DNP) tuyên bố đóng cửa vô thời hạn vịnh Maya. Tuyên bố có hiệu lực từ ngày 1/10, nhấn mạnh các quy định siết chặt hoạt động du lịch để rặng san hô và môi trường biển có thời gian phục hồi hoàn toàn.
Cũng trong năm 2018, một vùng biển đẹp nổi tiếng khác của châu Á là đảo Boracay (Philippines) phải ngừng đón khách trong 6 tháng kể từ ngày 26/4 vì vấn đề môi trường. Tổng thống Rodrigo Duterte cho rằng chính những khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp ở Boracay đã khai thác du lịch bừa bãi, làm môi trường của hòn đảo bị ô nhiễm nghiêm trọng khi xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý xuống biển thông qua các hệ thống thoát nước.
Ngày 26/10/2018, hòn đảo đã mở cửa đón du khách trở lại nhưng đã có nhiều thay đổi: số lượng du khách đến đảo bị giới hạn (giảm xuống chỉ còn 19.200 người vào bất kỳ thời điểm nào), một loạt quy định mới được áp dụng như: cấm hút thuốc, tổ chức tiệc tùng trên bãi biển, giới hạn số lượng khách sạn và nhà hàng… Chính phủ Philippines muốn khuyến khích phát triển một văn hoá du lịch bền vững.
Mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh của các công ty du lịch và gây ra “khủng hoảng” không nhỏ cho ngành du lịch quốc gia, các nhà lãnh đạo và quản lý hai nước đều nhấn mạnh việc phát triển du lịch mang đến nguồn lợi lớn về kinh tế nhưng việc cấp thiết hiện tại là cần giữ gìn cho các thế hệ sau cũng như đảm bảo nguồn thu nhập bền vững cho các công ty du lịch địa phương.
Thuỷ Minh
Xem thêm:
Từ khóa phát triển bền vững sapa Du lịch Việt Nam vịnh hạ long