Cáo trạng cho biết không thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án. Phụ huynh và các bị can đều một mực khẳng định không vì bất cứ lợi ích vật chất nào mà chỉ giúp nhau. Ngoài ra các bị cáo đều được xem xét tình tiết giảm nhẹ.

TTV
Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh, người có con gái cũng nằm trong số được nâng điểm trong kỳ thi năm 2018 vừa được điều động bổ nhiệm chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo dự kiến, TAND tỉnh Hà Giang tới đây sẽ đưa vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ra xét xử sơ thẩm.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Giang, cựu phó Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Vũ Trọng Lương đã tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi được nâng điểm.

Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất với 4 môn là 29,95 điểm; thí sinh được nâng ít nhất với 1 môn là 2,2 điểm.

Bản cáo trạng này cũng nêu trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án.

Theo đó, không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm, ngoài ra lời khai của các bị can đều chỉ nói giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.

Cũng theo cáo trạng, Cơ quan điều tra xác định 5 bị can trong vụ án này đều không xét tình tiết tăng nặng, mà chỉ xem xét tình tiết giảm nhẹ.

5 bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang), Vũ Trọng Lương (cựu phó Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Phạm Văn Khuông, Triệu Thị Chính (2 cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang).

Cụ thể, đối với các bị can: Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Phạm Văn Khuông, Lê Thị Dung, quá trình điều tra, các bị can đã thành khẩn khai báo và thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích trong quá trình công tác.

Ngoài ra, gia đình các bị can: Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Phạm Văn Khuông có thân nhân là người có công với cách mạng. Riêng bị can Lê Thị Dung có bác ruột là liệt sĩ nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị can.

Bị can Triệu Thị Chính có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, gia đình bị can có bố là người có công với cách mạng, nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị can.

Trước đó, ngày 18/6, Tỉnh ủy Hà Giang đã thi hành kỷ luật đảng viên bằng hình thức “cảnh cáo” đối với ông Trần Đức Quý và ông Vũ Văn Sử, do liên quan đến vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại hội đồng thi THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang năm 2018.

Ông Trần Đức Quý là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang. Còn ông Vũ Văn Sử nguyên là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang (mới nghỉ hưu).

Trong một diễn biến khác, bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh, người có con gái cũng nằm trong số được nâng điểm trong kỳ thi năm 2018 vừa được điều động bổ nhiệm chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Trong vụ gian lận điểm thi, ông Vinh nói không biết con gái nằm trong danh sách được nâng điểm.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: