Trong ngày khai mạc Kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026. Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ được tập trung bàn về định hướng lớn, công nghệ, tốc độ, nguồn lực, thông qua vào ngày bế mạc (30/11).

ky hop 8 quoc hoi khoa xv bau chu tich nuoc chot du an duong sat cao toc bac nam
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 20/10. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 21/10, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp 8. Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt, từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11 và từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11. Dự kiến tổng thời gian làm việc là 29,5 ngày, gồm cả 4 ngày thứ bảy.

Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào chiều 20/10, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết dự kiến tại ngày họp đầu tiên của kỳ họp (ngày 21/10), Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Nguyên tắc là “Đảng cử, dân bầu”.

Về các nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội, bà Hải công bố chung chung: “Trong chương trình kỳ họp đã bố trí thời gian để thực hiện quy trình công tác nhân sự thuộc thẩm quyền”.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Quốc hội xem xét thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật, bao gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

“Chốt” chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

“Ủy ban Kinh tế Quốc hội xác định việc thẩm tra chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là công việc hết sức quan trọng, nên sẽ dành nhiều thời gian để thực hiện”, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho hay.

Ông Hiếu cho biết hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Chính phủ trình vào ngày 19/10, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói thêm dù Chính phủ mới trình nhưng thực ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng đã thảo luận trong Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 vừa qua. “Trung ương đã chỉ đạo đưa dự án này ra Quốc hội để Quốc hội xem xét cho chủ trương”, ông Định nói.

Vẫn theo ông Định, kỳ họp lần này [kỳ họp thứ 8 – chú thích] sẽ bàn chủ trương làm như nào, định hướng lớn, công nghệ, tốc độ, nguồn lực, còn các vấn đề chi tiết sẽ còn nhiều khâu. Sau khi có chủ trương, Chính phủ mới xây dựng dự án chi tiết, tiền khả thi, khả thi, đánh giá tác động nhiều mặt. “Trung ương đã thảo luận kỹ và Quốc hội sẽ thể chế hóa về mặt nhà nước” – báo Chính phủ cho hay.

Dự kiến Quốc hội sẽ nghe tờ trình về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam vào sáng ngày 13/11, sau đó sẽ thảo luận tại tổ vào chiều cùng ngày và thảo luận hội trường vào ngày 20/11. Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương dự án vào ngày bế mạc (30/11).

Ngoài các nội dung trên, trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (trong đó có báo cáo về tình hình thiệt hại, mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả sau bão), ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025…; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

Quốc hội xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngoài xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Nguyễn Quân