Năm 2023, công an sai sót do ‘biên chế không tăng, kinh phí còn thiếu’
- Nguyễn Quân
- •
VKSND cấp huyện phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hơn 10.500 đơn vị công an cấp xã, đây là áp lực rất lớn – theo Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí. Trong khi đó, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay những tồn tại, hạn chế trong giải quyết công việc của ngành là “khó tránh khỏi”.
- Vụ Vạn Thịnh Phát: Đoàn thanh tra SCB bị mua chuộc, gồm những ai?
- ĐBQH đề xuất cần đảm bảo cán bộ có thu nhập khá để giảm tham nhũng
VKSND tối cao: Kiểm sát viên thiếu so với điều tra viên
Theo nội dung họp vào ngày 21/11 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho hay năm 2023, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022.
Số vụ án hình sự khởi tố mới lên tới 98.466 vụ, tăng 20,4% so với năm 2022. Một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn tại nhiều tỉnh, thành phố,… Xuất hiện phương thức phạm tội mới như thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để đòi nợ trái pháp luật.
Ngoài ra, trong năm ghi nhận 12.159 vụ án hành chính, tăng 0,9%, các khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp; 446.258 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 7%), nổi lên là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về hợp đồng dân sự cũng chiếm tỷ lệ lớn.
Ông Trí cho biết trong thời gian tới tình hình tội phạm dự báo vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn bất cập.
Đáng lưu ý, báo cáo của ngành kiểm sát nhấn mạnh đến bất cập đối với nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát lực lượng công an cấp xã, phường trong việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Ông Trí cho hay VKSND cấp huyện phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hơn 10.500 đơn vị công an cấp xã, đây là áp lực rất lớn đối với ngành kiểm sát do VKS không có cấp xã.
Từ đây, ông Trí cho rằng biên chế giữa điều tra viên ngành công an với kiểm sát viên đang chênh lệch rất lớn; số lượng công chức có chức danh tư pháp, kiểm sát viên các ngạch của VKSND các cấp chưa đủ để đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc hằng năm tăng thêm.
Ngoài ra, theo ông Trí, chế độ, chính sách đối với ngành kiểm sát còn bất cập; kinh phí chi cho hoạt động điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đặc thù của VKSND vẫn áp dụng theo kinh phí quản lý hành chính, chưa phù hợp với hoạt động đấu tranh tội phạm.
Có vi phạm trong điều tra; ngành công an cũng muốn tăng biên chế, kinh phí
Cùng ngày, tại Báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế – xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; hạn chế về nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn – ông Lâm nêu.
Trong năm 2023, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63%; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện tăng 11,69%.
Số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại. Tương tự, tình hình người Việt Nam phạm tội, vi phạm pháp luật ở nước ngoài cũng được cho là “vẫn còn phức tạp”.
Theo ông Lâm, khối lượng công việc ngành công an phải giải quyết trong năm 2023 là gần 170.000 tin báo, tố giác tội phạm; trên 134.000 vụ án với gần 210.000 bị can; trên 6 triệu vụ xử lý vi phạm hành chính… trải rộng trên nhiều lĩnh vực.
Theo đó, những vấn đề tồn tại được ông Lâm cho là “khó tránh khỏi”, trong đó, có 3 nhóm nguyên nhân.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất là thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng, như vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong công tác điều tra, xử lý tội phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm; tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, cá biệt là những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật của một số ít cán bộ cảnh sát….
Nhóm nguyên nhân thứ hai là những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế, chính sách.
Nhóm nguyên nhân thứ ba là những khó khăn về nguồn lực khi nhìn tổng thể chung, yêu cầu, nhiệm vụ tăng lên, nhưng biên chế không tăng, kinh phí, phương tiện còn nhiều khó khăn.
“Nhìn tổng thể chung, tình hình an ninh trật tự, tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt, môi trường xã hội được duy trì an ninh, an toàn để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước” – Bộ trưởng Tô Lâm kết luận.
Thẩm tra các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp tại phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng hơn 71% về số vụ, tăng hơn 116% số đối tượng. Đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%. “Nhiều trường hợp liên quan đến người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi”, theo nội dung được công bố. Ngoài xã hội, một số loại tội phạm tăng mạnh như: giết người; cướp tài sản; cướp giật; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; gây rối trật tự công cộng… |
Nguyễn Quân
Từ khóa tham nhũng quyền lực Dòng sự kiện kiểm sát viên điều tra viên