Năm 2024: 727 người chết vì tai nạn lao động, tăng 28 người so với năm 2023
- Minh Long
- •
Năm 2024, công tác an toàn, vệ sinh lao động đang đứng trước những thách thức lớn; số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng xảy ra có dấu hiệu tăng đến mức đáng lo ngại so với 2023.
- Tai nạn lao động tại Thủy điện Đắk Mi 1: 5 người chết và mất tích
- Đồng Nai: Nổ lò hơi tại công ty gỗ, 6 người tử vong tại chỗ

Nhận định trên được đưa ra tại buổi họp báo về tình hình tai nạn lao động năm 2024 và tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025, do Bộ Nội vụ vừa tổ chức.
Theo thống kê, năm 2024, Việt Nam xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động, tăng 892 vụ so với năm 2023, tương ứng với mức tăng 12,1%. Số người bị nạn là 8.472 người, tăng 919 người, tương ứng với 12,2%. Trong đó:
- Số vụ tai nạn chết người: 675 vụ, tăng 13 vụ so với năm 2023, tương ứng tăng 1,96%;
- Số người tử vong: 727 người, tăng 28 người, tương ứng tăng 4,81%;
- Số người bị thương nặng: 1.690 người, giảm 30 người so với năm 2023, tương ứng giảm 1,74%.
Số liệu này bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động (lao động chính thức) và khu vực không có hợp đồng lao động (lao động tự do), phản ánh bức tranh toàn diện về tình hình an toàn lao động.
Tổng thiệt hại vật chất do tai nạn lao động năm 2024 được ước tính hơn 43.000 tỷ đồng, bao gồm:
- Chi phí điều trị, mai táng, bồi thường: 42.565 tỷ đồng, tăng 26.208 tỷ đồng so với năm 2023;
- Thiệt hại tài sản: 492 tỷ đồng, giảm 230 tỷ đồng so với năm 2023.
Ngoài ra, tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 154.759 ngày, tăng 4.989 ngày so với năm 2023. Tuy nhiên, số ngày nghỉ trung bình mỗi người bị nạn giảm từ 22 ngày (năm 2023) xuống còn 19 ngày, cho thấy thời gian hồi phục có cải thiện.
Các địa phương có số người tử vong cao nhất: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Phước, Long An, Thái Bình. Đây là những khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và ngành nghề nguy hiểm.
Ngành nghề có nguy cơ cao gồm: Khai thác mỏ và khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí và luyện kim, dịch vụ, dệt may và da giày. Những ngành này thường có điều kiện làm việc phức tạp, đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn.
Một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong năm 2024 được ghi nhận như:
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 13h30 ngày 22/4/2024 tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương do sự cố động cơ điện của máy nghiền đá.
Vụ tai nạn xảy ra ngày 1/5/2024 tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Gỗ Bình Minh (Đồng Nai) làm 6 người tử vong, 5 người bị thương do nổ nồi hơi trong quá trình vận hành.
Vụ nổ bồn chứa bụi gỗ tại Bình Dương (6/7/2024) xảy ra tại huyện Bắc Tân Uyên, làm 4 người bị thương nặng, phải chuyển viện lên TP.HCM điều trị. Nguyên nhân vụ việc là do sự cố kỹ thuật trong vận hành.
Vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 18/6/2024 tại Công trình cải tạo mở rộng trường mầm non Đông Yên B (Quốc Oai, Hà Nội) làm 3 người tử vong và 7 người bị thương khi trong quá trình kết thúc công việc, sử dụng vận thăng chở hàng để di chuyển từ trên xuống thì vận thăng bị sập.
Vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 29/7/2024 tại Công ty than Hòn Gai – TKV, tỉnh Quảng Ninh do lở than, bùn vùi lấp, hậu quả làm 5 người tử vong…
Từ khóa tai nạn lao động Bộ Nội vụ
