Năm 2024: Việt Nam căng mình ứng phó mưa, bão, lũ quét, sạt lở đất
- Minh Long
- •
Năm 2024, Việt Nam gánh chịu nhiều thiệt hại từ 21/22 loại hình thiên tai, trong đó có cơn bão số 3 (bão Yagi). Cơn bão được nhận định là mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, đã gây thiệt hại 81.700 tỷ đồng.
Thiên tai 2024: 514 người chết, mất tích; thiệt hại 88.748 tỷ đồng
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết năm 2024, Việt Nam đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai.
Theo ông Tiến, sau những tháng đầu năm hạn hán tại các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino là bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rất rộng tại Bắc Bộ; mưa lũ lớn ở Trung Bộ.
Thống kê, thiên tai năm 2024 đã làm 514 người chết, mất tích (gấp 3,04 lần so với năm 2023 và 2,44 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023); 2.207 người bị thương.
Về nhà ở, đã có 6.905 nhà sập, đổ; 294.813 nhà bị hư hỏng, tốc mái. 338.955 ha lúa, hoa màu, 300.103 ha cây trồng khác bị ảnh hưởng, thiệt hại; 56.886 con gia súc, 5.321.084 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Về thủy lợi, 502,4 km đê, kè, kênh mương; 94,8 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, hư hỏng. Ngoài ra còn nhiều thiệt hại về nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền, giao thông…
Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 88.748 tỷ đồng (gấp 9,52 lần với năm 2023 và 4,19 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023).
Riêng bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại 81.700 tỷ đồng
Bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippines vào tối ngày 1/9. Sáng ngày 2/9, bão Yagi vượt qua khu vực phía Bắc đảo Luzon (Philippines) đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông trở thành cơn bão số 3 năm 2024.
Ngày 3/9, sau khi vào Biển Đông, bão Yagi tăng 8 cấp trong 48 giờ (từ cấp 8 lên cấp 16, cấp siêu bão). Sức gió đạt cấp siêu bão duy trì hơn 24 giờ tiếp theo trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quôc) vào tối ngày 6/9, sau giảm còn cấp 14, giật cấp 17 khi đi vào Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.
Chiều ngày 7/9, bão đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 10 – 12, vùng gần tâm bão cấp 13 – 14, giật cấp 16-17. Đến 4h sáng ngày 8/9, bão mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Bắc bộ.
Bão Yagi được nhận định là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, cường độ bão tăng rất nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài.
Đặc biệt, mức độ giảm cấp trên đường đi của bão không theo quy luật thông thường. Thay vì yếu đi nhanh chóng sau khi qua đảo Hải Nam, cường độ bão Yagi giảm rất chậm và còn rất mạnh khi áp sát bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài tới 12 giờ, gây gió mạnh, mưa đặc biệt lớn cho khu vực Bắc Bộ.
Mưa rất lớn trên diện rộng (gồm nhiều tỉnh) thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200 mm/ngày), kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan; trong đó, có những khu vực xuất hiện lượng mưa trên 200 mm chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Do mưa lớn, từ ngày 8/9, mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long… đều vượt báo động 3, một số sông vượt báo động 3 từ 3-4m.
Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73m vào 16h ngày 10/9, trên mức báo động 3 là 3,73m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m. Mực nước đỉnh lũ tại trạm Lào Cai 86,97m trên báo động 3 là 3,47m; tại Bảo Hà 61,95m, trên báo động 3 là 4,95m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 (60,93m) 1,02m; tại Yên Bái đã đạt đỉnh ở mức 35,73m, trên báo động 3 là 3,73m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m.
Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mực nước cao nhất trong 20 năm.
Bão Yagi đã làm 345 người chết và mất tích; gần 2.000 người bị thương; gần 400.000 căn nhà bị hư hỏng, ngập nước, hàng trăm nghìn ha cây nông nghiệp, thủy sản bị ngập úng hư hỏng và rất nhiều thiệt hại khác về tài sản. Ước tính tổng thiệt hại hơn 81.700 tỷ đồng. Nếu so với tổng thiệt hại do thiên tai năm 2024 thì riêng bão Yagi đã chiếm tới 93,39%.
Do mưa lớn nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh… Đặc biệt, trận sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.
- Bộ Tài chính: Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm sau bão Yagi lên tới 7.000 tỷ đồng
- Hơn 50 học sinh, giáo viên tử vong sau bão Yagi
- Trẻ mồ côi do bão Yagi, là con của đoàn viên, công nhân được lập sổ tiết kiệm
Lào Cai: Tang thương bao trùm Làng Nủ
60 người thiệt mạng sau trận lũ quét kinh hoàng
Sáng ngày 10/9, một trận lũ quét kinh hoàng đã vùi lấp thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi có 35 gia đình, 128 người cư trú. Cả một khu dân cư rộng lớn cùng ruộng nương của người dân chỉ sau vài phút đã trở thành bãi đất trống, bùn lầy trộn lẫn đất đá.
Khu vực xảy ra trận lũ quét nằm cách xa trung tâm, giao thông bị chia cắt, hoàn toàn mất thông tin liên lạc nên việc cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, hơn 650 người gồm bộ đội Quân khu 2, biên phòng, công an và dân quân địa phương được huy động tìm kiếm cứu nạn.
Đến chiều ngày 24/9, sau khi bộ đội rút đi, huyện Bảo Yên duy trì gần 200 người cùng máy xúc tìm kiếm thêm 10 ngày. Tuy nhiên, việc tìm kiếm ngày càng khó khăn do hiện trường sạt lở rộng, bùn đất cứng lại và có lúc bị gián đoạn do mưa lớn kéo dài khiến nước lũ tràn về kéo theo bùn đất.
Ngày 10/10, lực lượng chức năng, máy móc sẽ rút khỏi hiện trường, dừng tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Thống kê, vụ lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng ở Làng Nủ đã khiến 33 gia đình bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 60 người chết và còn 7 người hiện vẫn mất tích. 87 người được xác định an toàn. Trong số người chết, có nhiều trẻ em, trong đó có trẻ mới 38 ngày tuổi.
1,6 triệu mét khối đất đá ụp xuống Làng Nủ trong 5 phút
Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Châu Lân (Trường đại học Giao thông vận tải) và nhóm cộng sự, nơi phát sinh trượt lở vùi lấp thôn Làng Nủ thuộc hệ tầng núi Con Voi. Ở đó đá bị ép phiến mạnh cắm dốc 40 – 50 độ.
Vùng phát sinh trượt trên đỉnh núi Con Voi có cao độ 774m, vùng ảnh hưởng dưới cùng có cao độ 160-200m.
“Căn cứ vào dữ liệu lượng mưa/h ngày 9/9 (57mm/h) cho thấy việc trượt lở đất đá có thể xảy ra từ ngày 9/9. Nhưng dòng chảy của nó bị co hẹp lại ở cách điểm phát sinh trượt khoảng 2km, tạo đập dâng tạm thời”, nghiên cứu cho biết.
Sáng sớm ngày 10/9, lượng mưa tích lũy ở đây (vị trí đập tạm) đạt 633mm (mức rất cao, bằng 1/4 lượng mưa trung bình cả năm ở Lào Cai).
Do áp lực của nước dâng lên nên đập tạm bị vỡ, khiến bùn, đất đá ập xuống thôn Làng Nủ chỉ trong 5 phút, vào lúc 5h sáng 10/9.
Theo tính toán, đỉnh núi Con Voi có lớp vỏ phong hóa dày tới 40m, nên vụ sạt lở tạo nên một vùng trượt lở khối lượng lớn với thể tích lên đến 1,6 triệu m3.
Chiều dài dòng lũ bùn đá khoảng 3,6 km với diện tích ảnh hưởng khoảng 38 ha; chiều sâu tích tụ dòng bùn 8-15 m, sâu nhất khoảng 18 m.
Khánh thành khu nhà tái định cư Làng Nủ
Với sự chung tay của các đơn vị tài trợ, khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh được khánh thành vào ngày 22/12.
Khu tái định cư nằm trên đồi cao rộng 10 ha, gồm 40 nhà sàn dân sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300 m2; một điểm trường rộng 200 m2 gồm hai lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước.
Đường dẫn vào làng được đổ bê tông. Mỗi căn nhà sàn kiên cố rộng 96m2 theo kiến trúc người Tày, công trình phụ trợ, vườn trồng rau bên hông hoặc phía sau, khuôn viên trồng hoa trước lối vào.
Khu tái định cư thôn Làng Nủ. (Nguồn: Sơn Lào Cai/Facebook)
Có ba người thân của ba gia đình ở Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, với mong muốn nhường những ngôi nhà này cho những người khó khăn hơn.
Bà Bùi Hiệp Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh, cho biết cả ba trường hợp viết đơn không nhận nhà vì lý do cả gia đình đã chết hết; đồng thời các con, anh em của ba hộ gia đình này đều đã nhận nhà tái định cư rồi, nên họ làm đơn xin không nhận nhà để nhường cho các trường hợp khó khăn hơn.
Cao Bằng: Sạt lở đất ở Khuổi Ngọa, khiến 32 người chết
Khoảng 5h sáng ngày 9/9, hàng trăm nghìn khối đất đá ở núi Khuổi Ngọa (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) bất ngờ đổ sập xuống, tràn qua quốc lộ 34, chảy xuống suối Khuổi Ngọa.
Thời điểm này, bên dưới có 1 xe khách loại 29 chỗ, 2 xe ô tô con 5 chỗ và 7 xe máy đã bị đất đá cuốn trôi xuống suối.
Vụ sạt lở làm 32 người chết và 2 mất tích, trong đó có 2 cán bộ Công an tỉnh Cao Bằng, 2 giáo viên công tác tại huyện Nguyên Bình.
Các nạn nhân được tìm thấy dọc bờ suối, dưới các đống đổ nát và trong xác xe khách. Có thi thể được tìm thấy cách hiện trường khoảng 40 km.
Xe khách cách hiện trường vụ sạt lở ở Ca Thành khoảng 2 km. Chiếc xe bị vò nát, chỉ còn lại bánh và ít bộ phận nhô lên mặt nước, lẫn trong đất đá.
Anh Nguyễn Đức Thịnh (thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình), người đi trên xe khách, cho biết chiều ngày 8/9, anh đi ăn đám cưới ở xã Ca Thành, rồi bắt xe khách để về thị trấn Nguyên Bình, cách đó khoảng gần 30km.
Anh lên xe lúc 17h30, ngồi ở cuối xe do xe đông. Đi được một đoạn, xe gặp một điểm sạt lở nên dừng lại đợi 40 phút chờ thông đường. Đi thêm chưa đến 1km thì lại tắc điểm thứ 2. Ngoài xe khách, còn khoảng 4-5 chiếc xe con, 2 chiếc bán tải và một chiếc xe đầu kéo cùng một số xe máy đang chờ thông đường.
Sau khi nghe thông tin ở đỉnh đồi (vị trí đang sạt lở) có 3 bể nước lớn mà trước đây người nước ngoài thuê để rửa quặng thì xe ôtô KIA Santos (chiếc xe có 4 người trong một gia đình tử nạn) quay đầu trước, xuống đầu cầu Khuổi Ngọa đỗ đầu tiên. Tiếp đó, lần lượt chiếc xe khách và một số xe khác cùng quay đầu đỗ ở 2 bên cầu.
Thấy xe nằm giữa 2 vị trí sạt lở, chờ hơn 2 tiếng vẫn chưa thông được đường, anh Thịnh cùng một người quen trên xe đã rủ nhau tự đi bộ về thị trấn Nguyên Bình và được một xe container cho đi nhờ, nên anh đã may mắn thoát nạn.
Ngoài vụ sạt lở ở xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành còn có một điểm sạt lở ở xóm Lũng Lỳ vào cùng ngày (9/9). Thống kê, có 9 người đã tử vong.
Ngoài xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình còn có ba điểm sạt lở có người tử vong và mất tích tại các xã Yên Lạc, Vũ Minh, và xã Vũ Nông.
Thống kê đến 17h ngày 15/9, toàn tỉnh Cao Bằng xác định có 55 người chết, riêng huyện Nguyên Bình có 54 người chết, 16 người bị thương và 2 người mất tích do cơn bão Yagi.
Hà Giang: Sạt lở đất khiến 11 người chết
Trưa ngày 12/7, trên tuyến đường Quốc lộ 34, tại vị trí Km10+900 thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã xảy ra vụ sạt lở đất đá với khối lượng lớn chiều dài sạt lở khoảng 80m, khối lượng đất đá sạt ước khoảng 1.000 m3.
Đến 17h30 chiều cùng ngày đã khắc phục được giao thông, các phương tiện đi lại bình thường.
Từ đêm ngày 12/7 đến rạng sáng ngày 13/7, huyện Bắc Mê tiếp tục có mưa lớn, tại vị trí cũ tiếp tục sạt lở với khối lượng lớn, khối lượng đất đá sạt ước khoảng 2.000m3.
Khoảng 3h30 – 4h sáng nay ngày 13/7, tại Km 10+900, Quốc lộ 34, thôn Tả Mò, tiếp tục xảy ra vụ sạt lở đất đá đã vùi lấp 1 xe ô tô chở khách biển kiểm soát 29E-xxx.89 chạy tuyến Hà Giang – Cao Bằng. Sau đó, một số người dân có mặt lúc đó đã tham gia ứng cứu.
Trong lúc đang ứng cứu thì đất tiếp tục sạt lở và vùi lấp nhiều người với khối lượng hàng ngàn m3.
Thống kê, đến 18h30 ngày 13/7, vụ sạt lở khiến 11 người tử vong, trong đó 8 người trên xe ô tô khách biển kiểm soát 29E-xxx.89 và 3 người trên xe Innova xuống hỗ trợ xe khách; 4 người bị thương; 9 người đã may mắn chạy thoát đến khu vực an toàn.
Anh Vừ Mí Sính, người đi trên chuyến xe trên, cho biết anh di chuyển từ Hà Nội và đến khoảng 3h ngày 13/7, anh lên xe khách 29E-xxx.89. Trên xe có khoảng 20 người, có cả trẻ nhỏ.
Đến khoảng 4h cùng ngày, xe khách đến thôn Tả Mò thì bất ngờ bị đất đá sạt xuống đường, vùi ngang lốp xe, không thể di chuyển.
Theo anh Sính, mọi người cùng xuống để đẩy xe nhưng không được. Sau đó, một số người trên ô tô 7 chỗ ở phía sau cũng xuống trợ giúp đẩy xe khách qua điểm sạt.
Ngay sau đó, khu vực này tiếp tục sạt lở. Thấy đất đá đổ xuống, mọi người hô nhau chạy, nhưng cũng không biết chạy đi đâu. Chạy được vài bước, họ bị đất đá đè ngang người. Khoảng 5 phút sau, đất đá lại đổ xuống tiếp.
“Thời điểm đất đá sạt xuống, tôi còn nghe thấy tiếng mọi người kêu cứu, nhưng lần thứ hai thì không thấy gì nữa”, anh Sính nói và cho hay anh chỉ thò được đầu lên mặt đất rồi cố lấy tay cào bớt đất để thở, nhưng “vẫn bất di bất dịch”, không thể di chuyển.
Đến khoảng 6h30 cùng ngày, anh Sính được mọi người đưa ra ngoài với nhiều vết thương trên người.
Đến tháng 9, tỉnh Hà Giang chịu ảnh hưởng nặng từ bão Yagi. Thống kê, bão Yagi và hoàn lưu bão, tỉnh Hà Giang ghi nhận 1 người tử vong, 1 người mất tích và 1 người bị thương, gần 1.200 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó nhà phải di dời khẩn cấp 82 nhà; bị vùi lấp hoàn toàn 16 nhà; bị đất, đá sạt lở vào 308 nhà; bị nước lũ cuốn trôi 8 nhà; bị ảnh hưởng do tốc mái, cây đổ 118 nhà; bị ngập úng 664 nhà. Tổng diện tích lúa, ngô, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại là hơn 1.600ha. tỉnh Hà Giang ước tính bị thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng. |
Phú Thọ: Sập cầu Phong Châu khiến 4 người chết, 4 người mất tích
Khoảng 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu nối 2 huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ) bất ngờ bị sập, khiến 2 nhịp cầu rơi xuống lòng sông Hồng.
Vụ việc khiến 10 xe (1 xe tải, 2 xe đầu kéo, 6 xe máy, 1 xe máy điện) rơi xuống sông, 8 người mất tích.
Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu. (Nguồn: Người dân cung cấp/Facebook)
Sau nửa tháng sập cầu Phong Châu, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ đã tìm được thi thể 4 nạn nhân, còn 4 người mất tích.
Thi thể đầu tiên bà Nguyễn Thị H., được tìm thấy chiều ngày 14/9. Vị trí phát hiện thi thể cách cầu Phong Châu 10 km về phía hạ lưu.
Thi thể thứ hai là ông Lương Xuân T. – chồng bà Nguyễn Thị H., được tìm thấy sáng ngày 16/9. Vị trí phát hiện thi thể cách cầu Phong Châu khoảng 8-9 km về phía hạ lưu, thuộc địa phận khu 10, xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ.
Thi thể thứ ba anh Hà Quốc C., (SN 1986, trú tại xã Chu Hóa, TP. Việt Trì), được phát hiện ở trong cabin xe ô tô đầu kéo, chiều ngày 20/9.
Thi thể thứ tư là anh Dương Công C. (SN 1981, trú tại khu 8, Đan Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ), tài xế xe đầu kéo BKS 19H-042.12, được phát hiện vào khoảng 7h45 ngày 23/9, đang trôi trên dòng sông Hồng đoạn thuộc khu Mộ Hạ, phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì.
Gần một tháng, Lữ đoàn 126 Quân chủng Hải Quân đã cử 42 người gồm chỉ huy, đặc công người nhái, cùng nhiều phương tiện chuyên dụng tìm kiếm những nạn nhân mất tích còn lại trong bán kính 10 km. Tuy nhiên, khu vực cầu Phong Châu có khối lượng bùn, cát, rác lớn, nước chảy xiết, tầm nhìn hạn chế bởi nước sông đục nên chưa có kết quả.
Đến cuối tháng 10, UBND tỉnh Phú Thọ đã thông báo kết thúc tìm kiếm 4 nạn nhân mất tích.
‘Không nhận được báo cáo về dấu hiệu mất an toàn cầu Phong Châu trước khi sập’
Theo Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), năm 1996 đường tỉnh 314 được nâng thành quốc lộ 32C, trong đó gồm cả cầu Phong Châu (xây dựng hoàn thành năm 1995) và giao Sở GTVT Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) quản lý.
Cầu được xây dựng bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu, tải trọng thiết kế H18-X60, tải trọng người đi 0,3T/m2; cầu gồm 8 nhịp và các trụ cầu bằng bê tông cốt thép.
Đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên là Công ty Quản lý, sửa chữa và xây dựng đường bộ Phú Thọ.
Về công tác bảo trì cầu, Sở GTVT Phú Thọ đã đấu thầu lựa chọn nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên từ năm 2024 đến 2027.
Cầu Phong Châu cũng nhiều lần được sửa chữa. Trong đó, năm 2010 tiến hành sửa chữa lan can cầu, mặt cầu, khe co giãn; năm 2013 tiến hành thay dầm nhịp bê tông cốt thép, thay khe co giãn bằng loại khe răng lược; thảm lại mặt cầu; năm 2018 xử lý trụ chống va xô; năm 2019 xử lý xói lở trụ T6, T7 và năm 2023 sửa chữa sơn kết cấu nhịp dầm thép, khe co giãn.
Đáng chú ý, kết quả kiểm định cầu năm 2019 được đánh giá “cầu Phong Châu hoàn toàn có thể khai thác được với tải trọng HL93 và không phải cắm biển hạn chế tải trọng”.
Theo Cục Đường bộ, vào khoảng 10h02 ngày 9/9, trụ T7 bị đổ và sập hai nhịp chính T6 và T7 (hai nhịp dàn thép) gác trên trụ này. Thời điểm đó do ảnh hưởng mưa bão Yagi, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn.
“Đến thời điểm xảy ra sự cố, Cục Đường bộ Việt Nam không nhận được báo cáo về dấu hiệu không bảo đảm an toàn đối với công trình cầu Phong Châu”, Cục này cho biết.
Bộ GTVT trả lời cử tri về đơn vị chịu trách nhiệm về sự cố sập cầu Phong Châu
Cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề nghị Bộ GTVT trả lời về nguyên nhân và “cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm” đối với vụ sập cầu Phong Châu.
Trả lời, Bộ GTVT cho biết theo báo cáo của cơ quan quản lý đường bộ, sơ bộ nhận định, đánh giá nguyên nhân ban đầu sập cầu Phong Châu là do ảnh hưởng của bão Yagi đã gây ra lũ lớn lịch sử trên hệ thống sông ngòi Bắc Bộ, đặc biệt là trên sông Thao, sông Hồng kết hợp với tình trạng xói lở, thay đổi dòng chảy, thay đổi địa hình đáy sông.
Để xác định nguyên nhân chính xác của việc sập, cuốn trôi trụ T7 và hai nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc huyện Tam Nông), UBND tỉnh Phú Thọ thành lập tổ điều tra sự cố công trình cầu Phong Châu để giám định nguyên nhân sự cố công trình.
Công tác này được thực hiện theo quy định tại Điều 46 Nghị định 06/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Bộ GTVT cũng giao Cục Đường bộ Việt Nam cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ và phối hợp giải quyết khi có yêu cầu.
Sau khi có kết quả chính thức, Bộ GTVT sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến cử tri.
Khởi công xây cầu Phong Châu mới
Chiều ngày 21/12, Bộ GTVT khởi công xây dựng cầu Phong Châu mới dài 652 m trên quốc lộ 32C, thay thế cầu cũ bị sập trong bão Yagi.
Điểm đầu cầu mới tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao; điểm cuối tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông. Cầu chính dài 383 m, đoạn đường dẫn cầu vuốt nối về phía Lâm Thao dài 113 m, phía Tam Nông dài 155 m.
Cầu mới rộng 20,5 m phù hợp với bề rộng nền đường đầu cầu, sử dụng dầm bêtông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Phần cầu chính có 3 nhịp dầm liên tục, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng; phần cầu dẫn phía Lâm Thao gồm 3 nhịp dẫn, 2 nhịp dầm bản. Các mố, trụ bằng bê tông cốt thép, móng cọc khoan nhồi.
Đoạn đường nối hai đầu cầu đảm bảo quy mô đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 20,5 m.
Dự án có tổng mức đầu tư 635 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Thiên tai năm 2025 sẽ diễn biến thế nào?Nhận định về xu thế các hình thái thời tiết có khả năng xảy ra trong năm 2025, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lưu ý nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng, do vậy Việt Nam khả năng sẽ phải đối mặt với nắng nóng, nắng nóng gay gắt và khốc liệt. Cùng với đó là mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, bão và bão lớn có xu thế xuất hiện ngày càng nhiều hơn… “Rất khó để nói chính xác thiên tai năm tới sẽ diễn biến cụ thể như thế nào nhưng gần như chắc chắn trong bối cảnh nền nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng thì các đợt nắng nóng ngày sẽ ngày càng gay gắt và khốc liệt hơn. Chúng ta cũng gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự xuất hiện của nhiều đợt mưa lớn, đặc biệt là mưa lớn cục bộ ở khu vực vùng núi và khu vực đô thị. Hệ quả liên quan với nó là lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đô thị. Cùng với đó, những cơn bão mạnh và siêu bão xác suất và khả năng xuất hiện tăng nhiều hơn. Do đó, hạ tầng ứng phó với thiên tai có lẽ chúng ta cũng cần phải lưu ý nâng cấp để sẵn sàng ứng phó với thiên tai ngày càng cực đoan”, ông Khiêm nói. Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm là -0,3 độ C trong tuần đầu tháng 12/2024. Trong ba tháng đầu năm 2025, ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính. 3 tháng đầu năm, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 1-2/2025 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại; tháng 3/2025 hoạt động của không khí lạnh xấp xỉ trung bình nhiều năm. Cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm rét hại kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía Bắc. Trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và gió giật mạnh. Thời kỳ này, gió mùa Đông Bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển. Hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá, rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi cả nước. Hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục ở trạng thái trung tính từ tháng 4 đến tháng 6/2025. Từ tháng 5-6/2025 hoạt động bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và đổ bộ ở mức tương đương trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm trên Biển Đông: 1,6 cơn, đổ bộ vào đất liền: 0,3 cơn). Dự báo nắng nóng tiếp tục xảy ra ở Nam Bộ và Tây Nguyên trong tháng 4-5/2025, giảm dần trong nửa cuối tháng 5 và có khả năng chấm dứt trong tháng 6/2025. Ở khu vực Bắc Bộ, nắng nóng lan dần sang phía Đông trong tháng 5-6/2025. Nắng nóng ở Trung Bộ có khả năng duy trì nhiều ngày trong thời kỳ từ tháng 4-6/2025. “Số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt năm 2025 trên cả nước có khả năng nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, đặc biệt tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ”, ông Lâm cho biết. |
Từ khóa Thiên tai lũ quét sạt lở đất Mưa bão Yagi