‘Nghề làm tôm khô’ Cà Mau được đề nghị là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Minh Long
- •
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có tổng diện tích vùng nuôi tôm (chủ yếu là con tôm sú) khoảng 266.000 ha.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau cho biết vừa gửi hồ sơ khoa học trình Bộ VH-TT&DL để công nhận nghề làm tôm khô Cà Mau là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Nếu được công nhận thì đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 5 của tỉnh này, sau đờn ca tài tử, nghề gác kèo ong, muối ba khía ở Rạch Gốc và nghệ thuật nhạc trống lớn của dân tộc Khmer”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, tôm khô là một trong những đặc sản nổi tiếng của Cà Mau được du khách trong và ngoài nước biết đến.
Hiện nghề làm tôm khô phát triển ở các địa phương trong tỉnh, thu hút và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục tấn sản phẩm. Sản phẩm tôm khô của tỉnh Cà Mau đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2011.
Nguyên liệu làm tôm khô ở Cà Mau có 2 loại: tôm sông (tôm bạc, tôm đất, tôm sú, tôm thẻ…) và tôm biển (tôm sú biển, tôm sắt…).
Theo người dân địa phương, hiện nay tại Cà Mau có 2 hình thức thực hành nghề làm tôm khô gồm: Hình thức thực hành truyền thống là sau khi được lựa chọn, phân loại, tôm được cho vào xoong, nồi luộc trong nước thật sôi từ 5 đến 6 phút, rồi cho muối vào tiếp tục luộc khoảng 4 phút cho vừa chín tới, sau đó vớt ra để ráo nước, đem trải đều trên giàn phơi, sử dụng cây gạt và cây cào để trải tôm, đảo tôm trong suốt thời gian phơi, tôm phơi nắng phải được đảo thường xuyên cho con tôm khô đều từ đầu tới đuôi. Sau khi phơi đủ nắng, tôm khô được cho vào bao bố và đập cho tróc hết vỏ, tiếp đó đưa lên sàng để tách vỏ mịn và ruột của con tôm. Sau khi sàng sạch ruột tôm, còn dùng dao nhỏ để cạo, gọt những chỗ chưa sạch vỏ, làm đẹp con tôm khô trước khi đưa vào đóng gói bảo quản.
Còn hình thức thực hành hiện đại là sau khi luộc tôm xong người ta đưa vào lò sấy khô theo cách thủ công hoặc bằng lò sấy trong dây chuyền công nghệ. Khi tôm đạt độ khô vừa đủ sẽ được tách vỏ bỏ đầu để lấy phần thịt. Cuối cùng thành phẩm tôm khô được phân loại và đóng gói.
Nghề làm tôm khô được cư dân Cà Mau duy trì và phát triển từ thời kỳ khai thác con tôm trong môi trường tự nhiên đến thời kỳ nuôi con tôm trên sông, trên biển, trong vuông tôm từ thâm canh, đến quảng canh, đến quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp…
Tỉnh Cà Mau có tổng diện tích vùng nuôi tôm (chủ yếu là con tôm sú) khoảng 266.000 ha. Trong đó, diện tích vùng nuôi tôm công nghiệp 9.587 ha, vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến 90.552 ha. Còn lại là diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống.
Trong sản lượng tôm nuôi hàng năm, mặt hàng tôm sú chiếm chủ yếu, số còn lại một số ít là tôm đất, tôm bạc và tôm thẻ chân trắng.
Từ khóa Cà Mau di sản văn hóa phi vật thể nghề làm tôm khô