Nữ sinh đốt trường – Lệch lạc với suy nghĩ “Việt Nam nói là làm”
- Lê Trai
- •
Một clip mang tính bạo lực đang lan truyền rộng trên mạng xã hội Facebook với hình ảnh một cô gái đến trường, tưới xăng trước phòng Y tế rồi châm lửa đốt trong sự hò reo, cổ vũ của bạn bè.
Được biết, sự việc xảy ra lúc 8h ngày 9/10 tại Trường THCS Phạm Ngũ Lão, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Lãnh đạo nhà trường cho biết người mang xăng đến đốt phòng Y tế là Trần Thị Ngọc T. (13 tuổi, trú xã Ninh Thọ, TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa), đã học tại trường nhưng gần đây em bỏ học.
‘Tuyên bố ảo’, bị ép làm thật
Theo lời kể của T., khoảng 11h đêm ngày 7/10, do buồn buồn nên T lên Facebook viết đăng chơi với nội dung “nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường“. Đến sáng 9/10, khi status trên đã hơn 1.000 like, có những tin nhắn thúc giục như ‘like đã đủ, comment đã đủ. Thực hiện đi”.
Một số tin nhắn có nội dung như: “Em ơi, chiều có đốt thì đốt cho đàng hoàng chứ sàn sàn là bỏ mạng nha em!“
T cho hay, sợ bị mọi người tìm đến bắt làm thật nên em đã lánh khỏi nhà. Một số người biết mặt khi thấy em liền kéo lên trường Phạm Ngũ Lão, mua xăng, ép em vào trường đốt.
Theo clip do đám đông tự ghi lại, khi T đang tưới xăng quanh cửa phòng Y tế, có nhiều giọng nói thúc giục: “lẹ lên, lẹ lên”, “đốt đi, đốt đi”. Khi T bật lửa, ngọn lửa bùng lên trùm lấy chân T còn đám đông chạy nhanh để thoát khỏi đám cháy.
T. cho biết không ai ngăn cản trước khi em bật lửa đốt. Sau khi bị bỏng cả hai chân, có người gọi điện thoại cho mẹ T đến trường chở em vào bệnh viện cấp cứu.
T. hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Ninh Hòa, chưa hết bàng hoàng. Em cho biết, thấy hối hận về hành động của mình và muốn sau khi ra viện sẽ đến trường xin được đi học lại.
>> Im lặng: Sức mạnh hay sự lạnh lùng?
“Việt Nam nói là làm” – những lệch lạc từ trong suy nghĩ
Những hành động bạo lực, liều lĩnh như trên đang dần trở thành trào lưu với tuyên bố “nói là làm”, thách thức dư luận trên mạng xã hội.
Trào lưu được bắt đầu từ sự việc một chàng trai có tài khoản Facebook N.T đăng ảnh kèm chia sẻ: “Bức hình này đủ 40.000 like sẽ đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem“.
Tuyên bố này thu hút tới gần 100.000 like cùng hàng ngàn bình luận cổ vũ lẫn thách thức anh chàng thực hiện hành động nguy hiểm. Trước những bình luận nghi ngờ, dè chừng của người dùng mạng, người này có lời chia sẻ dài sau đó với ngụ ý mỗi người có một cuộc sống độc lập, bản thân muốn sống tự do, miễn “đừng để chuyện đáng tiếc xảy ra”.
Có thể đa số người dùng mạng xã hội đều suy nghĩ rằng người này chỉ “bốc đồng” tuyên bố, không dám châm lửa đốt mình. Lượng like tăng vọt như một lời thách thức ngược lại từ phía những người dùng Facebook.
Tuy nhiên, đến khoảng 23h ngày 20/9, trên mạng xã hội bất ngờ xuất hiện clip được cho là nam thanh niên tự tẩm xăng đốt mình rồi lao xuống kênh theo như lời tuyên bố trước đó.
Trong clip, một nam thanh niên mặc áo khoác, đội mũ lưỡi trai, đứng dưới chân cầu và nói: “Chào mọi người! Tôi nói là làm. Còn đây là xăng”. Vừa nói dứt lời, người này châm sẵn một ngọn lửa nhỏ dưới nền gạch và cầm chai đựng chất lỏng đổ lên người. Lửa lập tức bén vào chân, cả người nam thanh niên bùng lên như ngọn đuốc. Người này vội vã nhảy ngay xuống nước. Do mặc lớp áo dày và nhảy nhanh xuống nước, người này không bị ảnh hưởng nhiều.
Điều đáng lưu tâm là hàng trăm người đã tụ tập ở khu vực kênh Tân Hóa xem thanh niên này “nói là làm” ra sao. CSGT phải đến giải tán đám đông để tránh kẹt xe, giữ an ninh trật tự.
Sau sự việc trên, liên tiếp xuất hiện nhiều lời thách thức khác như: Nếu Chelsea thắng Liverpool, sẽ mặc váy đi trên xe buýt, “Nói là làm (…)“, không mặc quần áo “đi từ Monaco về báo Quốc Từ”, “Đủ 100.000 like sẽ đâm dao vào người mình“.v.v… Có nhiều hành động đã được thực hiện, với clip và ảnh được đăng lên làm bằng chứng để khẳng định tinh thần “nói là làm“. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, “nói là làm“, chúng thực sự chỉ có nghĩa đối với những hành động gì?
Thách thức để khẳng định
Không khó để nhận thấy, những tuyên bố “ảo”, từ việc tự thiêu của N.T tới đốt trường của T, đều có chung một diễn biến là bị người dùng mạng xã hội nghi ngờ, cổ súy và bị ép bắt làm thật. Thách thức để khẳng định bản thân, hay thậm chí chỉ là một trò đùa khơi ra trong lúc buồn để mọi người chú ý, đều có chung một kết cục gây nguy hiểm cho bản thân, kích động tâm lý hiếu thắng, bạo lực, tò mò của một bộ phận người dùng mạng xã hội.
Tiếc thay, bộ phận này có thể đông tới hàng trăm người, hàng ngàn người, trong đó thay vì ngăn cản, họ kích động và cưỡng ép chủ nhân lời tuyên bố phải thực hiện, và thờ ơ vô can với hậu quả xảy ra. Trong vụ đốt trường của T, những hành động bắt ép đã thấy rõ, khi đám đông tự đi tìm T, tự mua xăng, xô đẩy ép T phải làm thật. Những bình luận trên mạng xã hội như “like đã đủ, comment đã đủ. Thực hiện đi” đã không còn là bình luận ảo. Chúng trở thành lời đe dọa.
Trong vụ tự đốt mình của N.T, có thể phán đoán hành động làm thật cũng được tính sao cho an toàn nhất có thể. Thay vì nhảy từ trên cầu Tân Hóa, nam thanh niên trong clip chọn cách nhảy từ trên bờ kênh Tân Hóa, mặc áo khoác dày, để lửa sẵn để khi lửa bén có thể nhảy ngay xuống nước thay vì bật lửa châm dễ khiến ngọn lửa có thể trùm lấy thân. Hàng trăm người đúng 19h ngày 20/9 ra cầu để xem N.T thực hiện, “lời hứa” đã trở thành mối đe dọa thực sự chứ không chỉ còn là những người dùng mạng với những tin nhắn, bình luận “ảo”.
>> Có thể nào dừng sống ảo – Thế giới ảo đang điều khiển bạn?
Thay vì kêu gọi dừng lại, có hành động báo với người có trách nhiệm để sự việc không diễn ra, thì một bộ phận lại trở nên kích động, cổ xúy, đe dọa ép làm thật. Nếu tuyên bố ấy xảy ra trong một cộng đồng được giáo dục về ý thức cộng đồng thì có lẽ sự việc sẽ không bị đẩy đi quá xa, như đối với trường hợp của em T.
Thách thức để khẳng định, tự khái niệm ấy không sai nhưng hoàn toàn không có nghĩa là việc gì cũng làm. Chính dư luận trong cộng đồng những người dùng mạng xã hội cũng tự nhận thức được tính chất bạo lực, nguy hiểm, đi ngược lại với văn hóa ứng xử của những tuyên bố trên. Tuy nhiên, một bộ phận im lặng, một bộ phận để những lời ngăn cản dần trở thành thờ ơ, trong khi một bộ phận lớn khác trở nên kích động, thách thức ngược lại với mối nguy gây bạo lực thực sự.
Suy nghĩ “Việt Nam nói là làm” sẽ trở nên có ý nghĩa thật sự, nếu đó là những hành động thiết thực đối với cộng đồng, với xã hội. Thách thức mang tính quốc tế Ice Bucket Challenge – dội nước đá lên đầu năm 2014 đã gây quỹ được tới hơn 115 triệu USD sau 1 năm xuất hiện (tương đương 2,5 ngàn tỷ đồng). Với chưa đầy 1% số tiền – khoảng 1 triệu USD, các chuyên gia đã tìm ra được gene trực tiếp gây ra bệnh Xơ cứng teo cơ một bên (ALS).
Phương pháp mới được nghiên cứu có thể áp dụng cho những trường hợp mắc ALS do di truyền, chiếm khoảng 10% trong số những trường hợp mắc ALS. Các nhà khoa học cho biết, 90% còn lại sẽ tiếp tục được nghiên cứu phương pháp điều trị dựa trên số tiền ủng hộ.
Thách thức Ice Bucket Challenge – dội nước đá lên đầu năm 2014 cũng được thực hiện kèm theo nhiều chỉ dẫn, cảnh báo về giới hạn an toàn để thực hiện hành động. Dù phong trào được nhiều người nổi tiếng tham gia, vẫn có người dũng cảm từ chối thực hiện thử thách khi hiểu làm từ thiện quan trọng, nhưng tiết kiệm nước cũng quan trọng không kém. Họ cho biết mình sẽ đóng góp theo một cách khác.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa nói là làm Việt Nam nói là làm nữ sinh đốt trường lệch lạc suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam suy nghĩ về trào lưu nói là làm suy nghĩ về trào lưu like là làm