Ông Hun Sen kêu gọi xây dựng kênh đào Phù Nam Techo càng sớm càng tốt để chấm dứt dư luận liên quan đến kênh đào này.

328964984 2304407523063569 5207469900832377080 n
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Ảnh: Facebook ông Hun Sen)

Trong thông điệp đặc biệt đưa ra ngày 16/5, ông Hun Sen – Chủ tịch Thượng viện Campuchia kêu gọi chính phủ đừng chờ đợi nữa mà hãy tiến hành xây kênh Phù Nam Techo (Funan Techo) càng sớm càng tốt để phục vụ vận chuyển bằng đường thủy.

Ông này cho rằng việc khẩn trương xây kênh đào Phù Nam Techo là vì nền kinh tế quốc dân và để chấm dứt dư luận liên quan đến kênh đào này. Trước đó, Campuchia tính bắt đầu khởi công vào cuối năm nay.

“Tôi muốn đưa ra ý kiến với chính phủ Hoàng gia về dự án kênh đào Phù Nam Techo. Hãy lập công trường càng sớm càng tốt, không cần phải chờ đợi nữa. Chúng ta phải nghĩ về nền kinh tế của mình. Chúng ta phải nghĩ đến nền độc lập dân tộc của mình”, báo Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen nói.

Đồng thời, ông Hun Sen cũng nhắc lại lập luận cho rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của Campuchia bằng việc giảm chi phí vận chuyển. Ông cũng nói rằng kênh đào này sẽ đóng vai trò là hệ thống thủy lợi cho phía tây nam Campuchia.

Ông Hun Sen khẳng định kênh đào Phù Nam Techo sẽ giúp tăng sản lượng và nuôi cá của người dân, đặc biệt giúp giảm lũ khi Campuchia bị lũ lụt. Ngoài ra, kênh đào Phù Nam Techo cũng sẽ đóng góp cho du lịch và người dân sẽ được hưởng lợi.

Kênh đào  Phù Nam Techo có thể khiến lượng nước về ĐBSCL giảm 50%

Chuyên gia tính toán kênh đào Funan Techo mà Campuchia triển khai ảnh hưởng rất lớn, khiến lượng nước từ dòng Mekong về ĐBSCL có thể giảm 50%.

Thông tin này được TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ nói tại hội nghị tham vấn về đề xuất Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia tổ chức tại Cần Thơ, ngày 23/4.

Theo phân tích từ ông Tuấn, kênh Funan Techo sẽ liên quan đến dòng chính sông Mê Kông chứ không phải là nhánh sông hay phụ lưu và có tác động đến ĐBSCL một cách rõ ràng.

Cụ thể, vào mùa khô sau khi có kênh Funan Techo, lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu – hai phân lưu của sông Mê Kông về đến ĐBSCL có thể giảm khoảng 50% và nghiêm trọng hơn vào những năm khô hạn.

“Sự thay đổi dòng chảy trên sông Mê Kông (qua sông Hậu và sông Tiền) sẽ làm thay đổi đặc điểm thủy văn tự nhiên, một phần dòng chảy sẽ bị kiểm soát bởi con người, cả với những chuỗi đập thủy điện và khai thác nước từ kênh Funan Techo”, ông Tuấn nói.

viet nam len tieng ve kenh dao phu nam techo2
Vị trí dự án lênh đào Phù Nam Techo dự kiến sẽ triển khai (đường vẽ màu đỏ). (Ảnh: mard.gov.vn)

Dự án kênh Funan Techo còn tác động về hệ sinh thái, môi trường và tính đa dạng sinh học vào mùa mưa là không nhỏ. Kênh đào này với đường đắp bờ hai bên thành đường giao thông và đô thị hóa sẽ trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ. Như vậy đặc điểm phân bố nước sẽ thay đổi nghiêm trọng, ngập sẽ gia tăng diện tích phía bắc kênh đào trong khi phần đất phía nam và vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên sẽ giảm lũ. Lũ thấp sẽ ảnh hưởng chức năng của các đập điều tiết (như đập Thala ở biên giới An Giang) mà còn làm giảm nguồn cá, phù sa, dinh dưỡng từ sinh vật phù du trong nước và thay đổi mạnh tính đa dạng sinh học…

Ngoài ra, các công trình kiểm soát nước đã xây dựng như cống đập Trà Sư, hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, vùng đê bao 3 vụ, khu dân cư vượt lũ… sẽ thay đổi chức năng và giảm hiệu quả vận hành khi có kênh Funan Techo.

Đặc biệt, Quy hoạch vùng ĐBSCL và các địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể phải điều chỉnh vì trước đó đã không có xem xét yếu tố kênh đào Funan Techo là nhân tố mới liên quan nguồn nước.

Chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao của Chính phủ có thể bị ảnh hưởng do đặc điểm nguồn nước thiếu hụt và suy giảm sức khỏe đất, đặc biệt vào vụ Đông Xuân…

Thiếu hụt nước ngọt ở ĐBSCL sẽ ảnh hưởng hàng chục dự án ứng phó biến đổi khí hậu và dự án xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai. Một bộ phận người dân đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo và có thể gia tăng lượng di cư khỏi đồng bằng…, ông Tuấn phân tích.

Ông Tuấn cho rằng trong thông báo của Campuchia có đề cập là tác động của dự án là không đáng kể. Tuy nhiên, các thông tin về dự án rất hạn chế, không đủ cơ sở để đưa ra kết luận như vậy.

Vì vậy, Campuchia cần chia sẻ và minh bạch các thông tin chi tiết về dự án, bao gồm cả báo cáo khả thi và kết quả đánh giá tác động môi trường của dự án cho các bên liên quan.

“Trước mắt Ủy ban sông Mekong Việt Nam đề nghị Campuchia tạm dừng dự án này thêm một thời gian để có những nghiên cứu, đối thoại sâu hơn với sự hợp tác của các chuyên gia kinh nghiệm, khách quan”, ông Tuấn nói.

Khánh Vy (t/h)