Phó Chủ tịch TP thăm BN sốc ma túy: Hiểu ra sao trong cơn bão truyền thông
- Lê Trai
- •
7 người trẻ chết trong Lễ hội âm nhạc điện tử Du hành tới mặt trăng (Trip To The Moon) vào tối 16/9/2018 do sốc thuốc, đó là một thảm họa. Thảm họa về giáo dục, thảm họa về lối sống, sự định hướng của tuổi trẻ, thảm họa khi chất cấm được dùng phổ biến trong một sự kiện tổ chức công khai được cấp phép.
Song, 4 ngày sau khi 7 sinh mạng tan như nhang khói, việc đoàn cán bộ do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý dẫn đầu đến thăm, trao phong bì cho các bệnh nhân bị sốc ma túy thậm chí còn gây nên một tranh cãi khác về văn hóa ứng xử. Bất chấp luồng ý kiến ủng hộ được chính thức hóa trên mặt báo, dễ dàng nhận thấy sự thất vọng của dư luận vẫn tiếp tục kéo dài. Bởi hành động trên không những không giúp giải quyết các vấn đề mà còn bộc lộ một tư duy quản trị hời hợt, thậm chí đi ngược với các nguyên tắc trong luật định.
Trong video ghi lại tại hiện trường, không ai quên được hình ảnh một cô gái trẻ nằm bất tỉnh, nhưng chân cong cứng, hai tay cứng đờ giơ thẳng lên trời, xung quanh nhân viên bảo vệ, bạn bè nhốn nháo. Hình ảnh thể hiện sự bất lực tột cùng, cũng là bi kịch của xã hội trước một thế hệ trẻ song coi thường bản thân, vô trách nhiệm với gia đình và xã hội. 7 nạn nhân tử vong và 5 nạn nhân cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tất cả đều dương tính với thuốc lắc, ma túy đá, ma túy tổng hợp và cần sa.
Những thanh niên trẻ tuổi, những người mà đáng ra cần sống có lý tưởng và tri thức, tự lực kiến tạo giá trị nhân sinh lại vô phương trong đời sống của chính mình. Như những ngọn nến đốt hết sẽ vụt tắt, những cá nhân ấy đang rơi trong vòng xoáy hưởng lạc, sống không biết tới ngày mai. Nếu là những người có ý thức và quan tâm đến hiện tình của đất nước, chắc chắn họ sẽ không sử dụng thuốc gây ảo giác và chết trong một cuộc suy đồi, bài trừ nhân tính kiểu như trên. Theo chuyên gia y tế, trạng thái kích động quá mức trong ánh đèn và nhạc cuồng loạn sẽ khiến những người tham gia khi chưa sử dụng chất kích thích đã vận hết sức trong cơ thể, khi sử dụng chất kích thích sẽ huy động tổng lực các hoạt động trong cơ thể, đốt cháy toàn bộ năng lượng. Khi đó, tất cả chỉ còn như những con thiêu thân.
7 người trẻ tuổi giờ đã yên nghỉ. Những đám tang xơ xác sẽ còn để lại mãi nỗi ân hận và bẽ bàng đối với người thân và bè bạn. Còn những người trẻ vừa được cứu sau cơn mê và nguy cơ sốc thuốc có thể xảy ra đối với hàng triệu người trẻ khác? Một lệnh dừng tổ chức/cấp phép tất cả các sự kiện âm nhạc điện tử tại Hà Nội đã được công bố, một động thái tưởng như giải pháp nhưng thực chất chỉ là cách ứng phó đi sau của cơ quan quản lý. Cơ quan công an cũng đã khởi tố vụ án (chưa khởi tố bị can). Nhưng sau nữa là gì? Điều công chúng cần là việc chính quyền có biện pháp gì để kiểm soát, ngăn chặn lưu hành, sử dụng ma tuý; những lỗ hổng trong cấp phép, quản lý các địa điểm vui chơi, các sự kiện biểu diễn sẽ được “vá” ra sao; việc tiến hành điều tra để ngăn chặn các sự việc tương tự xảy ra như nào… tất cả còn đang bị bỏ ngỏ. Nhìn ra quốc tế, trong một vụ việc tương tự, tại Úc, tối 15/9, 2 người đã chết và khoảng 700 người khác phải đi cấp cứu do ma túy trong một sự kiện âm nhạc điện tử. Chính quyền bang New South Wales đã cam kết sẽ cấm tổ chức lễ hội âm nhạc Defqon 1, sự kiện thường niên tại thành phố Sydney.
Trong lúc đó, cuộc thăm hỏi của đoàn cán bộ do Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý dẫn đầu đối với các bệnh nhân sốc ma túy bị dư luận trách. Vì sao? “Supportive rituals” (tạm dịch: những lễ nghi tương trợ) là một cách ứng xử của các chính trị gia, giới lãnh đạo để thể hiện sự quan tâm tới sự việc, cộng đồng. Về ý nghĩa thực, đó là việc cá nhân người lãnh đạo tới gặp người thực, việc thực để hiểu rõ sự nghiêm trọng của vấn đề (nếu là sự kiện liên quan tới mất mát) để ra quyết sách sao cho đúng đắn, hay động viên, ghi nhận (như đối với các hành động giúp ích cho cộng đồng) để góp phần lan tỏa các giá trị nhân sinh.
Đến thăm người sa ngã, trò chuyện, động viên, giúp vực dậy tinh thần, giúp các bạn trẻ hiểu để từ đó quay trở lại với chuẩn mực đạo đức đúng đắn, và nếu sau cuộc thăm hỏi của đoàn quan chức, các bạn trẻ tuổi rút ra được bài học, trưởng thành hơn trong nhận thức thì đó là việc nên làm. Nhưng nếu cuộc trò chuyện trôi đi trong những lời xã giao, thì đó đơn giản là một chuyến công cán phục vụ cho mục đích cho truyền thông.
Còn việc trao tiền hỗ trợ, liệu điều đó có đúng hay không? Trao đổi với Lao Động sáng 19/9, giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, ông Khuất Văn Thành cho biết các bệnh nhân đang nằm tại bệnh viện thuộc lý do bất khả kháng nên được hỗ trợ đúng theo quy định tại Điều 13, Nghị định 136 năm 2013 của Chính phủ.
Điều 13, Nghị định 136 quy định ra sao? Theo Khoản 1: “Người bị thương nặng do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác tại nơi cư trú hoặc ngoài nơi cư trú được xem xét hỗ trợ với mức bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này” (mức chuẩn là 270.000 đồng).
Đây có phải cách giải thích thỏa đáng, khi các bệnh nhân sốc ma túy nằm trong độ tuổi từ 18-27, là người trưởng thành, có khả năng tự quyết định hành vi, tham gia hay không tham gia sự kiện âm nhạc, sử dụng hay từ chối sử dụng các chất kích thích? Trường hợp bệnh nhân “thuộc lý do bất khả kháng” không có giá trị áp dụng trong sự việc này.
Theo Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, việc tổ chức, tàng trữ, sử dụng chất ma tuý là hành vi cấu thành tội phạm, theo các Điều 196, Điều 197, 198, 199, 200, 201…
Cần lưu ý là luật quy định xử phạt không chỉ đối với các hành vi nghiêm trọng như sản xuất, buôn bán, tàng trữ… mà cả các hành vi cụ thể như sử dụng trái phép, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng chất ma túy. Điều 199 quy định người sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tái phạm tội thì bị phạt tù từ 2-5 năm. Khoản 1, Điều 200 quy định người nào cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý bị phạt tù từ 2-7 năm.
Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã cho hay việc đi thăm hỏi, động viên các bệnh nhân sốc ma túy chỉ là bởi đó đa phần là người nhỏ tuổi, là điều nên làm. Song hành động trao tiền hỗ trợ cho các bệnh nhân sốc ma túy, cộng ấn tượng về những cuộc thăm hỏi mang tính hình thức của giới quan chức, mới là lý do khiến người dân không đồng tình với cách ứng xử của giới lãnh đạo thành phố. Việc hỗ trợ cai nghiện, nâng cao hiểu biết, thậm chí hỗ trợ việc làm… đối với người nghiện ma túy đã được quy định thành luật, do đó, thực tế, công luận không kỳ thị việc thăm hỏi người sa ngã. Nhưng như đã chỉ ra, điều mà người dân muốn thấy là những quyết sách sát thực tiễn và thực-sự-làm của giới chức, thay vì chỉ dừng ở các biện pháp hình thức để rồi sau đó chẳng có gì thay đổi.
Những lễ nghi tương trợ (supportive rituals) là một việc nên làm. Đó không chỉ là cách để quản trị khủng hoảng. Nếu xuất phát từ thực tâm thì ấy là việc thăm hỏi, lo lắng cho người bị nạn thật sự. Đừng để việc úy lạo trở thành tiểu xảo xoa dịu tinh thần đám đông, “đánh bóng” hình ảnh của chính trị gia, hay hơn thế, là duy trì tính chính danh của chính quyền.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa 7 người chết sau lễ hội âm nhạc ma túy khủng hoảng niềm tin