Hạt giống từ Trung Quốc và nguy hại thuốc phiện toàn cầu tại Afghanistan
- Tuyết Mai
- •
Truyền hình CNBC (Mỹ) đưa tin, nhiều thập kỷ qua Afghanistan và cộng đồng quốc tế đã có nhiều cố gắng để loại bỏ vấn đề sản xuất thuốc phiện, nhưng tình hình ngày càng nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân chính là vì Trung Quốc.
Theo số liệu mới được Afghanistan đưa ra vào tuần trước, sản lượng thuốc phiện đang gia tăng. Đây cũng là kết luận của Văn phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (United Nations Office on Drugs and Crime, gọi tắt là UNODC) đưa ra trong báo cáo năm 2016.
Nguyên nhân chính của tình trạng tăng nhanh sản lượng thuốc phiện ở Afghanistan là bắt nguồn từ một loại hạt giống mới có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo đó người ta có thể trồng cây thuốc phiện quanh năm. Theo thống kê của UNODC, loại hạt giống Trung Quốc (Chinese seeds) này xuất hiện từ năm 2015, dẫn đến sản xuất thuốc phiện tăng vọt lên 43% vào năm ngoái.
Sản xuất heroin quanh năm ở Afghanistan
Theo Báo cáo Nghiên cứu Chiến tranh và Hòa bình (Institute for War and Peace Reporting), hiện nay chu kỳ tăng trưởng thuốc phiện ở Afghanistan vào khoảng hai tháng, trước đó thời gian trồng và chế biến thành heroin lâu gấp ba lần. Điều này có nghĩa là heroin bây giờ có thể được sản xuất quanh năm.
Jamid Faisal, phát ngôn viên chính phủ Afghanistan chia sẻ trên CNBC: “Chúng tôi hiểu trong nước tôi có loại cây mới, chúng tôi đang tìm cách ngăn chặn nó”.
Cho dù tại Trung Quốc loại cây này được xem là hợp pháp, dùng vào mục đích bào chế thuốc, nhưng tình trạng nó được trồng lan tràn tại biên giới Afghanistan khiến quan chức Afghanistan lo lắng. Nhiều năm qua, Afghanistan và tổ chức quốc tế đã tìm cách ngăn chặn loại cây thuốc phiện với lượng tiêu thụ thu về hàng tỷ Đô la Mỹ, được xem là nguồn thu kinh tế hàng đầu tại Afghanistan.
Nhà chức trách Afghanistan cho biết, hầu hết thuốc phiện sản xuất tại Afghanistan được tiêu thụ trên toàn cầu, trong đó xuất khẩu nhiều nhất là đến Nga và Pakistan. Theo Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật của Mỹ (CDC) thì Âu châu và Bắc Mỹ cũng là điểm đến chính. Vào năm ngoái có hơn 47.000 người thiệt mạng vì dùng thuốc theo toa quá liều cùng các loại ma túy dạng thuốc phiện bất hợp pháp.
Nguồn tài chính quan trọng của Taliban
Theo thống kê của UNODC vào năm 2007, giá trị xuất khẩu thuốc phiện Afghanistan khoảng 4 tỷ Đô la Mỹ mỗi năm. Hiện nay, với việc Taliban sử dụng nguồn thu nhập từ thuốc phiện để kích động quân nổi loạn chống lại chính phủ Afghanistan và lực lượng NATO, con số này đang tăng lên.
Faisal chia sẻ với CNBC rằng, quân đội Taliban “tự túc” thuốc phiện, 90% cây anh túc nằm trong khu vực Taliban kiểm soát, chiếm 1/10 sản lượng thuốc phiện của Afghanistan.
Mặc dù Mỹ đã làm hết sức mình để loại bỏ cây thuốc phiện, nhưng vấn đề thuốc phiện vẫn đang ngày càng xấu đi. “Bộ phận giám sát đặc biệt tái thiết Afghanistan” của Lầu Năm Góc (Special Inspector General for Afghanistan Reconstruction, viết tắt SIGAR) là cơ quan giám sát tái thiết Afghanistan của Mỹ.
Trong một báo cáo vào tháng giêng năm nay, cơ quan này cho biết Mỹ đã cam kết chi hơn 8,5 tỷ Đô la Mỹ cho những nỗ lực chống ma túy ở Afghanistan. Tuy nhiên, Afghanistan vẫn là nhà sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin xuất hiện loại hạt giống mới của Trung Quốc do CNBC đưa ra.
Buôn bán thuốc phiện là nguồn tài chính chủ yếu của Taliban, ngoài ra Taliban cũng được hỗ trợ nhiều từ Ả Rập Xê-út. Do gần đây Taliban chiếm được khu vực Helmand, là vùng sản xuất thuốc phiện quan trọng, vì vậy mà vấn đề này không thể giải quyết trong tương lai gần.
Phát ngôn viên Chính phủ Afghanistan nói với CNBC: “Một lần nữa chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế đóng cửa thị trường thuốc phiện quốc tế. Vấn đề thuốc phiện Afghanistan là một vấn đề toàn cầu”.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Taliban Anh túc Thuốc phiện Afghanistan