Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến Dự án xây dựng Bảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm rộng hơn 25,6ha, dựng tượng cao hơn 34m, trong vùng rừng đặc dụng của Rừng quốc gia Yên Tử.

r shutterstock 1885386058 1
Quần thể Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử nằm giữa Rừng quốc gia Yên Tử, nhìn từ trên cao, tháng 1/2021. (Ảnh minh họa: Mohammed Moses/Shutterstock)

Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Quảng Ninh vừa công khai bản báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án Đầu tư xây dựng Bảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh – chủ đầu tư dự án – gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh xin tham vấn.

Dự án đầu tư xây dựng Bảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm có tổng diện tích nghiên cứu là 25.619,8m2 (hơn 25,6ha).

Trong đó, phần chính của dự án – công trình Bảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm có diện tích khoảng 3.256,6m2 (hơn 3,2ha).

Tượng Bồ tát Quan Thế Âm cao 34,07m (tính từ mặt sân đến đỉnh tượng).

Phần khối đế cao khoảng 14,85m, làm bằng bê tông cốt thép kết hợp đá tự nhiên.

Phần thân tượng có kết cấu khung thép Inox 304, bên ngoài bọc đồng dày 5mm, “phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ công trình và điều kiện khí hậu khu vực”, theo chủ đầu tư.

Khu nhà sắp lễ (6 nhà) có diện tích khoảng 237,6m2, khung gỗ, mái vì kèo gỗ, lợp ngói mũi hài.

Các hạng mục khác gồm Khu bể và nhà bơm PCCC có diện tích 108m2; Khu gom rác, xử lý nước thải có diện tích khoảng 23,6m2; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ, như sân, đường, cây xanh, cấp thoát nước, cấp điện…

Tổng mức đầu tư là 162.648.163.126 đồng (hơn 162,6 tỷ đồng), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh công bố.

Dự án nhằm phục vụ cho khoảng 15 tăng ni, sư thầy sinh hoạt, lưu trú tại chùa và khoảng 550 khách vãng lai hành hương/ngày, theo ước tính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.

Chức năng hoạt động của dự án là nhằm “hình thành một quần thể tâm linh Bảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm kết nối với các chùa (Hoa Yên, chùa Đồng, Bảo Sái, Vân Tiêu, Giải Oan…), bảo Tượng Phật Hoàng và khu Trung tâm văn hóa Trúc Lâm, gắn kết với cảnh quan thiên nhiên phục vụ việc phát triển du lịch, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, nghiên cứu học tập tìm hiểu về thiền phái Trúc Lâm và các nét văn hóa lịch sử tại Yên Tử, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng trong thời kỳ mới” – theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.

Phá 2,5 ha rừng đặc dụng

Dự án nằm trong vùng rừng đặc dụng của Rừng quốc gia Yên Tử. Vị trí thực hiện dự án tại lô đất DL.3.13 và DT.3.3 thuộc đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu Yên Tử, TP. Uông Bí (phân khu A) tại xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí (nay là phường Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh); hiện trạng là rừng đặc dụng, thuộc Rừng quốc gia Yên Tử.

Theo báo cáo ĐTM, tổng diện tích rừng đặc dụng cần chuyển đổi để làm dự án là khoảng 2,5ha. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nhận định “dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường”.

du an Yen Tu Bao Tuong Bo Tat Quan Am
Vị trí thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm tại phường Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: Báo cáo ĐTM Tượng Yên tử/SNN&MT/quangninh.gov.vn)

Chủ đầu tư cho hay dự án đã được đưa vào danh mục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo Nghị quyết số 275/NQ-HĐND ngày 12/6/2025 của HĐND tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, tổ chức này xác nhận “việc triển khai dự án có thể ảnh hưởng đến thảm thực vật, môi trường sinh sống của các loài động vật hoang dã”.

Theo Quyết định 2239 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Dự án xây dựng Bảo tượng Bồ tát Quan Thế Âm tại xã Thượng Yên Công cũ (nay là phường Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh) do UBND TP Uông Bí cũ ban hành ngày 31/3/2025, dự án nằm tại lô đất DL.3.13 và DT.3.3 thuộc đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu Yên Tử, TP. Uông Bí (phân khu A); bốn mặt giáp rừng đặc dụng.

Đối với việc tạo mặt bằng dự án, chủ đầu tư được yêu cầu phải tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, hạn chế việc san gạt ảnh hưởng tới cảnh quan khu vực.

Báo cáo ĐTM của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh xác định nguy cơ sự cố môi trường khi thi công dự án bao gồm: rò rỉ dầu mỡ từ máy móc, tai nạn lao động, đổ vãi vật liệu, trượt lở đất cục bộ vào mùa mưa. Nhóm “Biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường” chỉ đưa ra giải pháp ngăn ngừa xói lở trong thời gian thi công, không đề cập tới giải pháp ngăn ngừa tác động xói lở khi công trình đã hoàn thiện, đi vào hoạt động.

Sơn Nguyên