Sở TN-MT Kon Tum: Hồ thủy điện Yaly nổi váng, bốc mùi thối là do ‘tảo nở hoa’
- Minh Long
- •
Theo Sở TN-MT tỉnh Kon Tum, nước hồ thủy điện Yaly bốc mùi hôi, nổi váng là do thừa chất dinh dưỡng kết hợp nhiệt độ trong nước tăng, làm cho tảo lam phát triển đột biến và bị phân hủy (còn gọi là hiện tượng “tảo nở hoa”).
Báo chí nhà nước cho biết thời gian qua, hàng trăm gia đình tại các xã Ya Xiêr, Ya Tăng và Ya Ly (huyện Sa Thầy, Kon Tum) rất hoang mang, lo lắng khi nước tại lòng hồ thủy điện Yaly bỗng chuyển màu xanh đục, nổi váng, bốc mùi hôi thối.
Một người dân ở xã Ya Ly cho hay mùi hôi thối bốc ra nồng nặc nhất vào những hôm trời nắng, không ai dám ra đồng. Khi chưa ô nhiễm, thuỷ sản ở hồ dồi dào, nhưng gần đây khan hiếm.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng TN-MT huyện Sa Thầy cho biết quanh khu vực lòng hồ có gần 300 ha đất sản xuất bán ngập, chủ yếu trồng cây mì. Ông nhận định nước ở hồ đổi màu, bốc mùi do người dân sau khi thu hoạch mì đã để thân, lá ở khu vực gần lòng hồ. Khi nước dâng cao, thân và lá đã phân huỷ khiến hồ ô nhiễm, theo báo Vnexpress.
Theo ông Lâm, nhiều người cho rằng nguồn nước bị ô nhiễm do một nhà máy mủ cao su và 2 nhà máy bột sắn ở thượng nguồn suối Đắk Xier là “không có cơ sở”, bởi các nhà máy này đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt loại A.
Đến ngày 22/1, Sở TN-MT tỉnh Kon Tum đã đưa ra nguyên nhân dẫn đến sự việc trên.
Sở này cho biết đoàn kiểm tra đã khảo sát nước dọc lòng hồ thủy điện Yaly từ thượng nguồn về đến xã Yaly, tại các vị trí xả thải của các nhà máy tại huyện Sa Thầy đổ ra suối Đắk Sia, lấy mẫu nước thải (tại vị trí xả thải) của các nhà máy và mẫu nước mặt của suối Đắk Sia ở thị trấn Sa Thầy, cho thấy “không có màu sắc khác thường”.
Riêng tại vị trí xung quanh cầu Đông Hưng thuộc thôn Kiến Hưng, xã Yaly (Sa Thầy) nước có màu xanh đậm, nổi váng. Khu vực bán ngập thuộc lòng hồ hiện tại còn sót lại lượng lớn cành cây sắn mì chưa phân hủy hết, đang được người dân thu dọn để trồng vụ mới. Khảo sát xung quanh khu vực này, xác định “không có các nguồn thải công nghiệp thải vào nguồn nước hồ Yaly”.
“Tình trạng nước hồ có màu xanh, nổi váng là do dư thừa các chất dinh dưỡng (nitơ và phốt pho) kết hợp với điều kiện nhiệt độ trong nước tăng lên, khi số giờ có ánh nắng mặt trời trong ngày dài ra làm cho tảo lam phát triển đột biến và bị phân hủy làm đổi màu nước, còn gọi là hiện tượng ‘tảo nở hoa’”, kết luận nêu.
Nhà máy thủy điện Yaly nằm trên dòng Krông B’Lah, ở ranh giới huyện Sa Thầy (Kon Tum) và huyện Chư Păh (Gia Lai). Công trình chính thức khởi công xây dựng ngày 4/11/1993, khánh thành ngày 27/4/2003, công suất 720 MW. Lòng hồ thủy điện rộng hơn 64 km2, phần lớn nằm ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Báo Lao Động hồi tháng 7/2021 cho biết các dòng sông ở tỉnh Kon Tum đang phải “oằn mình” gồng gánh trên lưng một loạt thủy điện, chỉ riêng thủy điện vừa và nhỏ đã có 27 dự án đã hoàn thành.
Nhiều năm về trước, người dân các huyện ở Kon Tum sống yên bình với nương rẫy cà phê, cao su, điều, tiêu… bên dòng sông. Nhưng thời gian gần đây, khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, lũ lụt kinh hoàng hơn, cuốn trôi đất đai, hoa màu của họ. Và một số công ty thủy điện đã tranh thủ trời mưa bão để tích nước hoặc xả lũ trái quy định.
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm hộ dân ở các huyện Ngọc Hồi, Đắk Tô, Kon Plông, Kon Rẫy… tỉnh Kon Tum sinh sống dưới chân đập các thủy điện bị mất đất, mất nương rẫy vốn là tư liệu để sản xuất và phương kế mưu sinh lâu dài của họ. “Thiệt hại liên tiếp cho người dân nhưng cơ quan chức năng vẫn khẳng định, lỗi tại… ông trời!”, tờ báo viết.
Minh Long
Xem thêm:
Từ khóa Kon Tum hồ thủy điện Yaly ô nhiễm