Sở Y tế TP.HCM: Người đã tiêm đủ vắc-xin nhưng vẫn tử vong – ‘khó tránh khi F0 tăng cao’
- Nguyễn Quân
- •
“Khi F0 tăng cao thì sẽ có ca tử vong, đây là điều khó tránh khỏi” – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM – bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết trước tình trạng số ca nhiễm, F0 nhập viện, tử vong có xu hướng gia tăng, bao gồm cả người đã tiêm đủ vắc-xin COVID-19.
“Không thể nói có đợt dịch mới”
Tại cuộc họp báo thường kỳ của TP.HCM về tình hình dịch COVID-19 vào chiều 22/11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết số ca F0 những ngày gần đây ở thành phố có dấu hiệu tăng cao. Tuần qua, số F0 ở TP.HCM dao động mức 1.000 ca.
Theo bà Mai, “không thể gọi đây là đợt dịch mới”, TP.HCM đang ở trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 và triển khai nhiều giải pháp khống chế.
Về số ca tử vong tăng, bà Mai cho biết thống kê trong 3 ngày gần đây (từ ngày 19-21/11) có 151 ca tử vong, trong đó có 18 ca là mắc bệnh nền, 75% số ca tử vong không tiêm mũi vắc-xin COVID-19 nào hoặc tiêm chưa đủ liều.
Bà Mai cho biết nhóm người chưa tiêm vắc-xin có thể do chống chỉ định, người nhà không tiếp cận được vắc-xin. “Những người này khi mắc COVID-19 thì khả năng tử vong rất cao”, bà Mai nói.
Lý giải vì sao người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn tử vong, bà Mai cho rằng xét đến yếu tố cộng đồng, khi số F0 tăng cao, khoảng 15%-20% ca nhiễm sẽ có diễn tiến nặng, chủ yếu tập trung ở người cao tuổi hoặc có bệnh nền, trong đó 5% rất nặng.
“Khi F0 tăng cao thì sẽ có ca tử vong, đây là điều khó tránh khỏi”, bà Mai nhận định và cho biết nguyên tắc duy nhất để giảm số ca tử vong là cần giảm số ca F0 nhập viện.
Do đó, đại diện Sở Y tế khuyến cáo mỗi người chú trọng 5K và tiêm vắc-xin, không được lơ là dù đã tiêm đủ 2 mũi. “Để giảm số ca tử vong, chúng ta cần giảm số F0 nhập viện. Để giảm F0 nhập viện, người dân cần nâng cao ý thức cộng đồng, tuân thủ 5K và không lơ là dù đã tiêm đủ liều vắc-xin”, bà Mai nói.
Bà Mai cho biết Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép F0 không triệu chứng, tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19, đến ngày 7 âm tính thì kết thúc cách ly.
“Đề xuất này dựa trên cơ sở vừa rồi, [trong] các trường hợp F0 tiêm đủ 2 mũi thì thấy rằng trên 81% không có triệu chứng, ngày thứ 7 âm tính và các ngày tiếp theo cũng âm tính. Đây được coi là người khỏe mạnh”, bà Mai nói, cho biết việc rút ngắn thời gian cách ly sẽ góp phần tăng hiệu quả chăm sóc, điều trị F0, đặc biệt là giảm quá tải khu cách ly trong bối cảnh số ca mắc tại TP còn cao.
Bà Mai cho hay hiện Bộ Y tế chưa có văn bản phản hồi TP trước đề xuất này.
‘Một số người dân khi báo không được cấp thuốc nên họ không báo nữa’
Trong cuộc họp báo, phóng viên phản ánh vừa qua, nhiều trường hợp dương tính khi báo địa phương nhưng không được tiếp nhận, cấp thuốc. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đơn vị có ghi nhận tình trạng này. Ông Tâm lý giải là do một số trạm y tế phường, xã và trạm y tế lưu động không đủ nhân sự; đường dây nóng hoạt động chưa được thông suốt nên có tình trạng này xảy ra. Ông Tâm cho hay ngành y tế sẽ chấn chỉnh.
Ông Tâm cho biết theo quy trình, người dân phát hiện dương tính sẽ báo cho trung tâm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động. Trong 24 giờ, trạm y tế cử nhân viên xuống tận nhà người dân kiểm tra, qua đó sẽ có đánh giá tình trạng bệnh cũng như điều kiện cách ly tập trung hay tại nhà.
“Hiện có một số người dân khi báo không được cấp thuốc nên họ không báo nữa và gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, việc không khai báo còn thiệt hại cho gia đình người F0”, ông Tâm nói.
Lý giải điều này, ông Tâm cho biết theo quy định, không phải F0 nào cũng được cấp thuốc, chỉ người có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ thì được cấp túi thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, những trường hợp F0 sau khi báo cáo sẽ được theo dõi, nếu bệnh nhân chuyển nặng sẽ được đưa lên tuyến trên để can thiệp, còn những F1 trong gia đình cũng được theo dõi để quản lý.
Ông Tâm đề nghị các địa phương tăng cường thông báo về quy định cấp phát thuốc để người dân hiểu, còn trạm y tế địa phương cần thường xuyên theo dõi việc đáp ứng thuốc và thông suốt đường dây nóng.
Địa phương từ chối tiếp nhận F0 từ doanh nghiệpTrước tình trạng F0 tại TP gia tăng, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết đã xin Bộ Y tế cấp thêm 100.000 liều Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà. Sáng 22/11, Bộ Y tế đã cấp trước cho Sở Y tế TP 5.000 liều để kịp hỗ trợ F0. Bà Mai cho hay hiện TP vẫn còn 2.000 liều Molnupiravir trong kho, một số cơ sở y tế tại địa phương vẫn còn dư số thuốc trên trong đơn vị. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển thuốc theo nhu cầu của TP.HCM. Ngoài ra, bà Mai cho biết hiện nay ngành y tế không phân bổ vắc-xin cho các bệnh viện, ngoại trừ các bệnh viện có khoa Sản lớn như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ… với mục tiêu tiêm vắc xin cho thai phụ trên 17 tuần hoặc một số phụ nữ sau khi sinh. Định kỳ, các đối tượng này cũng được tầm soát các bệnh lý nguy cơ theo hướng dẫn chăm sóc thai phụ và sản phụ cụ thể. Đáng lưu ý, trong cuộc họp báo, ông Tâm cho biết hiện nay có tình trạng các F0 phát hiện tại các doanh nghiệp, nhưng do doanh nghiệp chưa sắp xếp khu cách ly nên đưa về địa phương nhưng địa phương không tiếp nhận. Về việc này, ngành y tế TP đã làm việc với doanh nghiệp và các địa phương, yêu cầu khi doanh nghiệp phát hiện F0 thì thông báo nhanh chóng cho chính quyền địa phương để phối hợp xử lý. Trong trường hợp khi nơi cư trú của F0 và doanh nghiệp không cùng một địa phương thì trung tâm y tế của 2 địa phương và doanh nghiệp phải phối hợp với nhau để cách ly F0. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện tử vong do COVID-19 molnupiravir tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19