UBND tỉnh Lâm Đồng đang quy định các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải xét nghiệm nhanh 3 ngày/1 lần. Ngoài ra, người dân được yêu cầu hạn chế đến Lâm Đồng, ai đến/về tỉnh này phải có chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ.

xet nghiem covid lamdong
Hơn 300 học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Lộc Châu 2 (xã Lộc Châu) trong một đợt lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 sau khi có 3 F1 tại trường dương tính COVID-19, ngày 2/11/2021. (Ảnh: baolamdong.vn)

Theo công văn 8403/UBND-VX3 ngày 18/11 do Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng – ông Đặng Trí Dũng ký, giới chức tỉnh Lâm Đồng công bố sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128, tỉnh này ghi nhận 1.447 ca COVID-19, tăng thêm 1.044 ca. Toàn tỉnh thuộc vùng dịch nguy cơ trung bình (cấp 2 – vùng vàng), trong đó, có huyện Đạ Tẻh là vùng dịch nguy cơ cao (cấp 3 – vùng cam).

“Nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, lan rộng trên địa bàn tỉnh chủ yếu do người dân từ các tỉnh, thành phố vùng dịch đến Lâm Đồng làm phát tán mầm bệnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng…” – UBND tỉnh công bố.

Ngoài ra, giới chức tỉnh cho rằng xuất hiện tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin COVID-19; một số cơ sở vẫn hoạt động trái với quy định phòng dịch; một số địa phương chưa sát sao trong kiểm tra, giám sát…

Cán bộ công chức, người lao động phải xét nghiệm COVID-19 3 ngày/1 lần 

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu cơ quan chức năng tổ chức cách ly y tế tại nhà các F1 đủ điều kiện theo đúng quy định (chú ý, hướng dẫn người dân sắp xếp lại cuộc sống gia đình phù hợp, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch); các trường hợp F1 không đủ điều kiện, áp dụng cách ly tập trung theo quy định.

Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải tổ chức tự xét nghiệm nhanh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 3 ngày/1 lần. Các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác phải tiêm đủ số mũi vắc-xin và xét nghiệm âm tính trong thời hạn quy định.

Chính quyền địa phương phải rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc và nguy cơ lây nhiễm cao; chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, nhất là những người về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4… để cách ly, theo dõi sức khỏe.

Đáng lưu ý, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở ngành, UBND địa phương truyền rộng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động người dân từ khu vực có dịch hạn chế đến/về tỉnh Lâm Đồng khi không cần thiết. Người đến/về tỉnh Lâm Đồng phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ); chủ động khai báo với chính quyền, y tế địa phương.

Sở Y tế Lâm Đồng: Tập huấn người dân tự test nhanh COVID-19

Theo chỉ đạo trên, ngày 20/11, Sở Y tế Lâm Đồng đã có văn bản gửi UBND huyện, thành phố, Phòng Y tế các huyện và các đơn vị y tế trong toàn ngành về việc tăng các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu UBND các huyện, thành phố nhanh chóng phê duyệt kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, quyết định thành lập trạm y tế lưu động theo hướng dẫn của ngành y tế.

Sở này yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh qua tờ rơi, video hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân trong tỉnh tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban Quản lý các khu công nghiệp, các huyện, thành phố  biết và tự làm xét nghiệm test nhanh COVID-19

Các Trung tâm Y tế các huyện, thành phố  phải chỉ đạo các chốt kiểm dịch y tế chỉ cho người vào tỉnh Lâm Đồng khi có giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ, khai báo với chính quyền, y tế địa phương.

Trung tâm Y tế các huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh và Đạ Tẻh được yêu cầu nhanh chóng mua sắm vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất… và hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý cho hệ thống xét nghiệm RT-PCR để Viện Pasteur TP.HCM kiểm tra, thẩm định, công nhận trong thời gian tới.

40,2% F0 đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19

Tại cuộc họp vào chiều 17/11, trước thời điểm công văn 8403 được ký UBND tỉnh Lâm Đồng ký ban hành, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng – ông Nguyễn Đức Thuận nhận định tình hình ca bệnh tăng cao.

Ông Thuận cho biết tính sau ngày 15/10 đến ngày 17/11 (33 ngày), tỉnh Lâm Đồng đã có thêm 1.044 ca COVID-19 mới (từ đầu dịch đến ngày 15/10, toàn tỉnh Lâm Đồng chỉ ghi nhận 403 ca).

Trong 1.044 ca mắc mới, có 420 ca mắc đã tiêm 2 mũi vắc-xin COVID-19 (chiếm 40,2%); 350 ca đã tiêm 1 mũi (33,5%), 274 ca chưa tiêm vắc-xin (26,2%).

Qua truy vết, tới nay Lâm Đồng có 298 chùm ca bệnh mới, với 5.840 trường hợp F1 và 13.890 trường hợp F2. Số ca F0 mắc mới tăng 762%, truy vết các trường hợp F1 tăng 401% và F2 tăng 293,5%, chùm ca mới tăng 562,2%.

Về nguồn lây bệnh ngoại tỉnh, ông Thuận cho hay có 269 ca mắc là người đi về từ các tỉnh, thành phố phía Nam trong số 42.163 trường hợp đi về Lâm Đồng. Tức tỷ lệ là 0,63%.

Trước các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, ông Thuận cho hay nếu không đảm bảo cách ly F1 tại nhà thì không cho F1 cách ly tại nhà, vì lây lan dịch nên vẫn phải cách ly tập trung. Người đứng đầu Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh cho phép ngành y tế mua tất cả hóa chất, vật tư làm xét nghiệm RT-PCR tại chỗ cho các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh; khi có kết quả test nhanh dương tính là truy vết ngay; bệnh nhân test nhanh dương tính đưa vào khu điều trị F0 có phòng cách ly riêng. Cho phép từng cá nhân có thể tự làm xét nghiệm, y tế kiểm tra lại và y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật ban đầu và phân loại rác.

Ông Thuận đề xuất Trạm Y tế lưu động sẽ hình thành khi Trạm Y tế đang thực hiện vượt khả năng, khi F0 nhiều thì kích hoạt ngay, còn vị trí đặt Trạm Y tế lưu động không thể đòi hỏi như Trạm Y tế thông thường nhưng cần có nơi để sử dụng về thuốc, vật tư, nhân lực…

Nguyễn Quân

Xem thêm: