Thái Nguyên: Giết hổ nấu cao, nguyên chủ tịch phường bị phạt 36 tháng tù
- Bảo Khánh
- •
Chủ tịch phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cùng 2 đồng phạm bị xét xử vì xẻ thịt hổ để nấu cao.
- Đồng Tháp: Phát hiện kho chứa 4 tấn mèo đông lạnh không rõ nguồn gốc
- Bình Dương: Các chủ nuôi tự bàn giao 9 con gấu ngựa bị nuôi nhốt
Ngày 1/3, TAND TP. Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Ngô Văn Quân (SN 1971, trú tại phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Quân nguyên là Chủ tịch UBND phường Tiên Phong nhiệm kỳ 2021-2026.
Hai đồng phạm tham gia hỗ trợ bị cáo Quân xẻ thịt hổ nấu cao cũng bị xét xử gồm: Nguyễn Văn Nam (SN 1995, trú tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) và Nguyễn Văn Thắng (SN 1980, trú tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).
Trước đó, vào tháng 1/2022, Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp cùng Công an thị xã Phổ Yên bắt quả tang hộ gia đình ông Quân đang giết mổ 1 cá thể hổ để nấu cao.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện nhiều tang vật liên quan gồm: 1 cá thể hổ đông lạnh, 1 xương đầu hổ, 2 bộ da hổ, 4 chi hổ, 16 túi thịt hổ, 1 đầu sơn dương đông lạnh. Khám xét nơi ở của ông Quân, công an tiếp tục phát hiện 1.578 gói cao thành phẩm, 21 lọ thủy tinh đựng mật gấu.
Thời điểm phát hiện, vụ án đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận bởi ông Quân là chủ tịch phường. Ông Quân từng là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tiên Phong nhiệm kỳ 2016-2021 và đã được bầu tái cử giữ chức danh Chủ tịch UBND phường Tiên Phong nhiệm kỳ 2021-2026.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Quân mức án 36 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Bị cáo Nam bị phạt 15 tháng tù treo (thử thách 30 tháng) và bị cáo Thắng bị phạt 12 tháng tù treo (thử thách 24 tháng) cùng về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Theo trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), chỉ trong năm 2022, trung tâm này đã ghi nhận 399 vụ việc vi phạm liên quan đến hổ, với hơn 88% số vụ án được phát hiện trên mạng Internet (353/399 vụ). ENV khuyến cáo, bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại tới hổ, các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức của người dân, khuyến cáo người dân không mua, bán hay sử dụng cao hổ và các sản phẩm từ hổ nhằm bảo vệ hổ và tránh các rủi ro, hậu quả pháp lý đáng tiếc. |
Bảo Khánh
Từ khóa cán bộ sai phạm công an tỉnh Thái Nguyên TAND tỉnh Thái Nguyên Giết hổ nấu cao Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp