Thảm họa vô hình
- Vĩnh Long
- •
Thảm họa trở nên vô hình khi mỗi người đều nghĩ rằng nó chẳng can hệ gì đến mình hết.
Bao nhiêu người đang đối diện nguy cơ nhiễm độc thủy ngân?
Một tuần sau vụ cháy nghiêm trọng 6.000 m2 khu vực kho chứa sản phẩm, nguyên liệu vật tư, hóa chất tại nhà máy Rạng Đông, thay cho một cuộc họp báo chính thức, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 4/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) công bố khoảng 15,1-27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường.
Trong bán kính khoảng 500 m tính từ hàng rào của kho bị cháy, hàm lượng thủy ngân trong không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Đăng ký Chất độc & Bệnh tật (ATSDR) của Mỹ từ 10 – 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị).
Nước, trầm tích, bùn đáy tại hồ Hạ Đình (trong phạm vi bán kính 500 m) và sông Tô Lịch (tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu) đều có hàm lượng thủy ngân vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người).
Nồng độ thủy ngân trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc không vượt quá ngưỡng nguy hại theo tiêu chuẩn của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của Công ty có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác.
Đáng chú ý, kết quả phân tích dựa trên mẫu nước, đất và không khí do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) và Sở TN-MT Hà Nội lấy từ ngày 30/8 – 1/9, trong khi trước đó, từ khoảng 17h30 chiều ngày 29/8, Hà Nội đã xảy ra cơn giông lớn kèm theo mưa, gió mạnh. Chậm trễ lấy mẫu phân tích không chỉ có nghĩa rằng sẽ làm giảm nồng độ ô nhiễm cần đưa ra trong cảnh báo, mà chỉ ra rằng thực tế, một lượng thủy ngân không nhỏ đã phát tán không thể kiểm soát trong suốt 24h theo hướng gió, vào nước và đất, trước khi bị nước mưa ngưng tụ và rơi xuống đất.
Theo công bố hôm 4/9, người dân sống trong bán kính 500 m cần đặc biệt ngừa phơi nhiễm. Tuy nhiên, con số bao nhiêu người nằm trong vùng cần cảnh báo không được đưa ra. Dựa theo số liệu về Quy mô dân số và diện tích 30 quận, huyện của Hà Nội do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cung cấp năm 2017, mật độ dân số bình quân tại quận Thanh Xuân là 29.295 người/km2 (con số này có thể khả tín khi năm 2013, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cung cấp dữ liệu mật độ dân số bình quân tại quận Thanh Xuân là 28.172 người/km2). Theo đó, khi nói đến trong bán 500 m từ tâm vụ cháy Công ty Rạng Đông, điều đó có nghĩa gần 23.000 người đang gặp nguy hiểm bởi thủy ngân. Con số thực tế có thể lớn hơn nhiều do quy mô dân số đã thay đổi khi tính đến năm 2019, bao gồm cả số dân vãng lai.
Nếu lưu ý tới cả các cơ sở cộng đồng, thì trong phạm vi 500 m có Trường Tiểu học Hạ Đình, Trường THCS Hạ Đình, Trường Mầm non Hoa Hướng Dương, Trường Mầm non Nụ cười của bé, Trung tâm y tế quận Thanh Xuân.
Nếu tính trong phạm vi 1000 m hoặc xa hơn, và sau một tuần với bao trận mưa, trận gió, và cả sự thờ ơ nói chung do không được cảnh báo, bao nhiêu người vẫn sinh hoạt như thường lệ song từng phút đang hấp thụ thủy ngân vô hình từ trong không khí, nước, thực phẩm…? Liệu cuộc lấy mẫu quy định 1,5 km của Bộ TN-MT đã đủ để khoanh vùng ô nhiễm thủy ngân? Người dân cần phải làm gì để phòng độc, tẩy độc trong 1 tháng, 6 tháng, vài năm? Lịch kiểm tra định kỳ các khu vực ô nhiễm sẽ được công khai thông tin ra sao?… Tất cả những điều trên dường như còn rất thiếu trong những thông tin công bố của Bộ TN-MT.
TS nghiên cứu ung thư: Nguy cơ nhiễm độc thủy ngân dạng hữu cơ
Cơn mưa giông lớn ngày 29/8 liệu có giúp rửa sạch ô nhiễm thủy ngân? TS Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA; Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím) cho rằng tình hình không lạc quan như thế.
Trong bài lưu ý mới nhất trên trang Facebook cá nhân, TS Vũ cho hay các cơn mưa sau vụ cháy có lẽ đã làm lượng thủy ngân trong không khi giảm đáng kể khi chúng bị ngưng tụ và rơi xuống đất. Tuy nhiên, nếu lượng thủy ngân này còn nằm ở trên mặt đất, bề mặt đường xi măng, ban công,… thì chúng có thể bốc hơi lại trong không khí sau cơn mưa nhất là khi nhiệt độ cao lúc trời nóng.
Có thể nói là nước mưa giúp giảm ô nhiễm thủy ngân trong không khí nhưng nó không giúp làm giảm ô nhiễm thủy ngân. Mối lo nhiễm độc thủy ngân kim loại dạng hơi nay đang được chuyển thành mối lo ngại nhiễm độc thủy ngân dạng hữu cơ.
“Đây là dạng nhiễm độc thủy ngân hữu cơ rất nguy hiểm mà điển hình nhất là sự kiện ở Minamata, Nhật Bản trong hơn nửa thế kỷ với hàng ngàn người chết, chục ngàn người bị ảnh hưởng!” – TS Nguyễn Hồng Vũ
Theo TS Vũ, khi mưa xuống, một lượng thủy ngân dạng hơi được kéo xuống bởi nước mưa có thể thấm vào đất, chuyển hóa thành dạng hữu cơ gây ô nhiễm đất. Cây hoa màu trồng trên đất này sẽ hấp thu thủy ngân. Nếu để lâu, thủy ngân có thể thấm sâu hơn và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm! Mặc khác, khi nước mang thủy ngân ra sông suối chúng bị chuyển hóa thành dạng hữu cơ lơ lửng trong nước, tích tụ ở bùn, trầm tích. Các vi sinh vật và quần thể tôm cá trong vùng sẽ bị nhiễm độc thủy ngân. Sau đó, con người lại ăn các thực phẩm, sinh vật bị nhiễm thủy ngân…
Trước mắt, làm sao để tránh hít hơi kim loại thủy ngân trong không khí? TS Vũ nhấn mạnh rằng trong vùng nhiễm khi ra đường tuyệt đối phải sử dụng khẩu trang có trang bị than hoạt tính, vì thật sự khẩu trang thường không cản được thủy ngân dạng hơi. Ông viết: “Chỉ khi có trang bị bộ lọc chứa than hoạt tính như loại của phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức đi khám nghiệm hiện trường, thì hơi thủy ngân kim loại mới bị oxi hóa và hấp thụ bởi than này trước khi không khí đi vào mũi. Tôi thật đau lòng khi nhìn hình ảnh những người chung quanh chỉ mang khẩu trang Y tế bình thường hoặc chỉ đơn giản dùng tay che mũi!”
Ông Vũ cũng đưa ra nhiều khuyến cáo, trong đó người dân trong vùng bị ảnh hưởng phải sử dụng khẩu trang có màng lọc than hoạt tính vì khẩu trang thường không cản được thủy ngân dạng hơi; nên đi kiểm tra độ nhiễm thủy ngân trong thời gian sớm nhất, nên xét nghiệm thủy ngân trong cả máu và nước tiểu để có số liệu chính xác; những người có kết quả xét nghiệm nhiễm độc đáng lo ngại phải được điều trị ngay. Nếu có thể, người dân trong vùng ảnh hưởng nên di dời sang nơi khác sống tạm trong thời gian môi trường được làm sạch, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ có thai.
Chính quyền muốn “ổn định”, người dân cần minh bạch
Chưa phải di dời dân khỏi vùng cháy Rạng Đông, dời nhà máy là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp giải quyết hậu quả vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông, chiều 5/9.
Tuy nhiên, như thường lệ, thời hạn và lộ trình di dời nhà máy không được công bố.
Trước đó, báo cáo tại buổi họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – ông Hoàng Văn Thức đã khẳng định mức độ ô nhiễm môi trường sau đám cháy là có thể kiểm soát được và không phải di dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng của vụ cháy. Cùng lúc, ông Thức cũng cho biết kết quả quan trắc tại nhà xưởng Công ty Rạng Đông cho thấy thủy ngân cũng đã phát tán ra môi trường, tuy nhiên, các chỉ số này so với tiêu chuẩn của Việt Nam thì nằm trong ngưỡng an toàn.
Cần nhớ rằng, công bố ngày 4/9 của Bộ TN-MT cho hay nồng độ thủy ngân phát tán cao hơn 10-30 lần so với tiêu chuẩn của WHO và ATSDR (Mỹ), nằm trong ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị. So với Quy chuẩn Việt Nam, điểm có giá trị thủy ngân cao nhất chỉ vượt ngưỡng 6,1 lần.
Ngoài ra, theo ý kiến của ông Chung, ngành y tế sẽ phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho người dân trong phạm vi bán kính 500 m.
Thậm chí trong một văn bản khuyến cáo cấp phường, người dân đã được khuyên cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh tới nơi an toàn; không sử dụng nước tại các bể chứa nước hở hay thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, heo được nuôi… trong bán kính 1 km (chứ không phải chỉ 500 m) kể từ tâm đám cháy… Liệu có bao nhiêu phần trăm trách nhiệm trong lời khẳng định mức độ ô nhiễm sau đám cháy là có thể kiểm soát được và không phải di dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng của vụ cháy? Cơ quan cũng như cá nhân nào chịu trách nhiệm cho quyết định trên nếu người dân không di dời có biểu hiện sức khỏe tiêu cực?
Thông báo khuyến cáo đến người dân của UBND phường Hạ Đình bị thu sau một ngày, còn hiện trường vụ cháy, sau một tuần mới được công ty Rạng Đông che chắn, phủ bạt để tránh mưa và không để hơi thủy ngân phát tán. Một tuần sau mới có công bố nguy cơ nhiễm độc thủy ngân và liền một ngày sau có quyết định của UBND TP không cần di dời dân khỏi vùng nguy hiểm.
Việc đánh giá thấp rủi ro ngay sau thảm họa cháy có thể lý giải do cần thời gian phân tích nồng độ thủy ngân, song sau khi đã có kết luận nguy cơ ô nhiễm, tính mạng của người dân vẫn được quyết định thay bằng các ý kiến chỉ đạo hành chính. Ai là người không để người dân lên tiếng trước những vấn đề an nguy đối với chính sức khỏe của họ và người thân của họ? Ai đã quyết định phớt lờ những lo lắng, nguyện vọng của người dân cần được nghe thông tin minh bạch, những khuyến cáo khẩn thiết và kịp thời? Sao có thể chỉ vì “cầu an”, vì muốn “ổn định” mà từ chối trước những nhu cầu thiết thân đối với người dân nước mình như vậy?
Những người dân cần được lên tiếng trước quyết định sơ tán, quyết định di dời nhà máy, chỉ bởi họ là những người sống lâu nhất với hậu quả từ những quyết định đó.
Cũng như trong suốt một tuần dài sau thảm họa cháy, sự im lặng hay phủ định thông tin không khiến cho tình trạng ô nhiễm giảm đi. Ngược lại, nó khiến người dân trở nên hoài nghi về động thái ngăn chặn vấn nạn ô nhiễm của các cơ quan chính phủ. Hàng trăm lính cứu hỏa, người dân ngủ ngoài đường trong đêm cháy, các phóng viên tác nghiệp tại hiện trường và cả các nhân viên đi lấy mẫu không được trang bị khẩu trang chứa than hoạt tính đã và đang trở thành những nạn nhân đầu tiên đón nhận rủi ro. Con số ấy sẽ không dừng lại, khi hàng ngàn người đang tiếp tục được yêu cầu vẫn cứ sống, sinh hoạt bình thường trong bầu không khí, đất và nước đã nhiễm hàng chục kg thủy ngân.
Sau đêm cháy kinh hoàng, một thảm họa mới, dai dẳng, với mức độ thảm khốc hơn gấp nhiều lần đang âm thầm đến trong sự thờ ơ của tất cả.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân vụ cháy Công ty Rạng Đông