Bộ GTVT: Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam ‘nắn tuyến’ qua Nam Định mang lợi 400 triệu USD
- Minh Long
- •
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam không đi thẳng từ Phủ Lý (Hà Nam) tới Ninh Bình, mà nắn tuyến sang phía Đông để đi qua tỉnh Nam Định. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu xem lại hướng tuyến này.
Theo phương án được đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh thành, trong đó ga phía Bắc lần lượt là Ngọc Hồi (Hà Nội), Phủ Lý (Hà Nam), Nam Định và Ninh Bình.
Tại Nam Định, nhà ga dự kiến đặt tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, cách ga Nam Định của tuyến đường sắt hiện hữu ở trung tâm thành phố khoảng 7 km.
Nếu hướng tuyến và vị trí nhà ga được thông qua thì tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ bị gấp khúc ở Nam Định, không được “thẳng nhất có thể”.
Trước đề nghị xem xét lại hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP. Nam Định từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ GTVT cho biết hướng tuyến đã được nghiên cứu, đáp ứng nguyên tắc như phù hợp với quy hoạch ngành, quốc gia, địa phương; yêu cầu khoảng cách giữa các ga, phù hợp với điều kiện địa hình, hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu…
Trong quá trình nghiên cứu, đơn vị tư vấn đã đưa ra ba phương án để phân tích, so sánh và lựa chọn.
Phương án 1 là hướng tuyến tiếp cận gần trung tâm TP. Nam Định, vị trí ga cách trung tâm thành phố khoảng 5 km.
Phương án 2 là hướng tuyến đi cách xa trung tâm TP. Nam Định, vị trí ga cách trung tâm thành phố khoảng 12 km.
Phương án 3 là duỗi thẳng hướng tuyến kết nối trực tiếp Hà Nam – Ninh Bình, không đi qua Nam Định. Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT đề xuất phương án 1.
Theo Bộ này, với vai trò là trung tâm phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ, TP. Nam Định có quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 600.000, là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn, vùng hấp dẫn các địa phương lân cận trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên… nơi có khoảng 4 triệu người.
Dự báo đến năm 2050, nhu cầu đi và đến ga Nam Định gần 3 triệu khách mỗi năm. Chi phí đầu tư và vận hành khai thác ước tính trong 30 năm, đoạn tuyến qua Nam Định khoảng 1,66 tỷ USD, lợi ích thu được khoảng 2,06 tỷ USD.
Như vậy, việc khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao qua Nam Định có lợi ích khoảng 400 triệu USD trong 30 năm so với việc tuyến đường sắt không đi qua khu vực này.
“Kinh nghiệm thế giới cho thấy có nhiều trường hợp tuyến đường sắt tốc độ cao đi vòng qua các trung tâm lớn để thu hút hành khách, thay vì đi thẳng như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức”, Bộ GTVT cho biết.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Theo đại biểu Trần Đức Thuận, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh, tuyến đường sắt có 23 ga hành khách, nhưng khoảng cách từ ga Vinh đến ga Thanh Hóa lại xa quá, khoảng 140km.
Theo ông Thuận, đường sắt phục vụ vận tải hành khách là chủ yếu mà Thanh Hóa, Nghệ An là hai tỉnh có dân số đông, nhu cầu đi lại cao.
Do đó, ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu có thể mở thêm ga ở giữa 2 tỉnh ở Hoàng Mai (Nghệ An) hoặc Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Với khu Nghi Sơn thì ga đó vừa có thể là ga hành khách và hàng hóa.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) đề xuất kéo dài thêm tuyến đường sắt đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là đến Cần Thơ.
Bà Hạnh lý giải rằng khu vực miền Tây có lượng hành khách vận tải rất đông, nhưng hiện tại chưa có nhiều tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc. Tình trạng ùn tắc giao thông ở miền Tây, đặc biệt vào dịp lễ, Tết, rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Cần Thơ là thủ phủ của miền Tây, nên việc kéo dài tuyến đường sắt đến đây sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Từ khóa chính phủ đường sắt đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường sắt tốc độ cao Dòng sự kiện công nghệ làm đường sắt tốc độ cao