Số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 hiện có 24 người, gồm Thủ tướng, 7 Phó thủ tướng và 16 Bộ trưởng, trưởng ngành; giảm 3 người so với đầu nhiệm kỳ.

bo may chinh phu sau kien toan 1 thu tuong 7 pho thu tuong 16 bo truong truong nganh 0
Thủ tướng Phạm Minh Chính và hai Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Mai Văn Chính trong ngày bổ nhiệm, 18/2. (Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn)

Sáng 19/2, Quốc hội bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV sau 6,5 ngày làm việc.

Theo báo Chính phủ, tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 4 luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi);

Đồng thời, 5 nghị quyết được thông qua, gồm: Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).

Nhiều biến động về nhân sự khối Chính phủ

Về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm hai Phó thủ tướng – là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Mai Văn Chính, và 4 Bộ trưởng – gồm ông Trần Hồng Minh – Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, ông Đỗ Đức Duy – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Sau khi giảm 4 bộ và 1 cơ quan ngang bộ, Bộ máy Chính phủ từ 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ hiện còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ. Xóa tên các bộ Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội.

Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 hiện có 24 thành viên gồm Thủ tướng, 7 Phó thủ tướng và 16 Bộ trưởng, trưởng ngành; giảm 3 người so với đầu nhiệm kỳ gồm Bộ trưởng Bộ Xây dựng (cũ) Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (cũ) Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ) Lê Minh Hoan.

Ông Lê Minh Hoan vừa được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026. Hai ông Nguyễn Thanh Nghị và Huỳnh Thành Đạt đợi nhận công tác khác.

Thành lập 6 bộ mới trên cơ sở hợp nhất, gồm:

Bộ Tài chính – hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý.

Bộ Xây dựng – hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho hai bộ này; chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải về Bộ Công an.

Bộ Khoa học và Công nghệ – hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông;

Bộ Dân tộc và Tôn giáo – trên cơ sở Ủy ban Dân tộc, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ và bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân tộc.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường – hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho hai bộ này; tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bộ Nội vụ – hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Chuyển chức năng đối với quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội (riêng nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy chuyển sang Bộ Công an) từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sang Bộ Y tế.

Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngoài 6 bộ trên, 11 bộ, cơ quan ngang bộ được Quốc hội thông qua việc duy trì, gồm Bộ Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông qua dự án điện hạt nhân và đường sắt kết nối với Trung Quốc

Theo kế hoạch trong phiên bế mạc, từ 8h-9h45, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP.HCM; Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Sau đó, Quốc hội họp riêng, biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của Công ty mẹ-Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)….

Từ 10h, Quốc hội họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sau đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc Kỳ họp.

Nguyễn Sơn