Bộ Y tế đang đề xuất quy định gói bảo hiểm y tế bổ sung là bảo hiểm y tế tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc…

baohiemyte
Tỷ lệ chi tiền túi tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 45% chi phí y tế, là mức cao dù có đóng góp bảo hiểm bắt buộc. (Ảnh minh họa: bacgiang.gov.vn)

Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam đang có 2 hình thức bảo hiểm y tế, là bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế thương mại.

Theo Bộ Y tế, bảo hiểm y tế bắt buộc do Nhà nước thực hiện theo Luật bảo hiểm y tế mang tính xã hội không vì mục đích lợi nhuận và được Nhà nước tổ chức thực hiện. Vẫn theo luật này, mọi người dân bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế

Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đối tượng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.

Còn bảo hiểm y tế thương mại là bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như bảo hiểm y tế xã hội.

Bộ Y tế dự kiến bổ sung gói bảo hiểm tự nguyện, áp dụng cho người có mong muốn tham gia, trên cơ sở đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Gói bảo hiểm y tế bổ sung sẽ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được bảo hiểm y tế cung cấp.

“Mức phí cho bảo hiểm y tế bổ sung sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với bảo hiểm y tế bắt buộc”, TTXVN dẫn lời Th.sTrần Thị Trang.

Quy định là doanh nghiệp tham gia cung cấp gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người dân, không chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người có điều kiện, có nhu cầu. Chi phí bảo hiểm đối với mỗi cá nhân được xác định dựa trên kết quả giám định của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ Y tế, hình thức bảo hiểm mới sẽ khắc phục tình trạng thực tế người tham gia bảo hiểm y tế vẫn phải đồng chi trả đối với các dịch vụ thuộc phạm vi quyền lợi và phải chi trả toàn bộ đối với các dịch vụ ngoài phạm vi quyền lợi.

Trong khi đó, bảo hiểm y tế thương mại thường có mức phí thường cao hơn so với bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng người tham gia có thể tùy chọn do đa dạng gói quyền lợi theo khả năng đóng. Mặc dù vậy, các phạm vi quyền lợi thường bị trùng với phần bảo hiểm y tế bắt buộc đã chi trả hoặc công ty có xu hướng lựa chọn dịch vụ để chi trả, Nhà nước không can thiệp mà phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm do công ty tự xây dựng nên người bệnh chưa được bảo vệ về quyền lợi toàn diện.

Bộ Y tế nhận định quy định hình thức bảo hiểm y tế bổ sung liên kết với bảo hiểm y tế thương mại do công ty bảo hiểm thực hiện theo hình thức thương mại giúp: “Bảo vệ và cải thiện phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế theo hướng tăng tính chi phí hiệu quả và đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm y tế”.

Người dân phải chi tiền túi nhiều dù đã có bảo hiểm bắt buộc

Tổng kết thực hiện Luật Bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2023, Bộ Y tế đánh giá tỷ lệ chi tiền túi tại Việt Nam vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế. Nguyên nhân do tăng sử dụng dịch vụ y tế; giá dịch vụ y tế cũng chưa được tính đúng, tính đủ…

Bộ này nhận định một trong những nguyên nhân gây tăng chi phí tiền túi là do tăng sử dụng dịch vụ y tế. Theo thực tế khảo sát, người có thẻ bảo hiểm y tế có mức sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại và nội trú cao hơn các nhóm người khác.

Thứ hai, số tiền cùng chi trả cũng như số tiền tự trả cho thuốc, vật tư tiêu hao hoặc các dịch vụ ngoài danh mục bảo hiểm y tế dẫn tới tăng mức trả tiền túi. Một số bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, không đủ thuốc; công tác đấu thầu thuốc và quản lý thuốc chưa đảm bảo, một số thuốc cần nhưng không được cung ứng nên bệnh nhân phải mua bên ngoài.

Thứ ba, chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở vẫn còn hạn chế nên người bệnh bỏ qua tuyến xã, huyện vượt lên tuyến trên và tiếp tục chịu chi phí cao hơn.

Thứ tư, một số nơi có tình trạng chỉ định người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng các thiết bị xã hội hóa, trong khi vẫn có máy đầu tư ngân sách, điều này làm cho người bệnh phải chi trả phần chênh lệch giữa hai mức giá.

Đáng chú ý, một số cơ sở khám chữa bệnh có tình trạng sử dụng hai biểu mẫu thanh toán khác nhau cho cùng một người bệnh, biểu mẫu thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội ghi đúng những nội dung Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, song ghi thanh toán cho người bệnh thì liệt kê các khoản mà người bệnh phải đóng thêm.

Một số chi phí đã tính vào kết cấu giá như (quần áo mũ phẫu thuật, tiền công tiêm, công khám của bệnh nhân nội trú…), nhưng một số cơ sở khám chữa bệnh vẫn tính và yêu cầu người bệnh phải chi trả.

Nguyễn Sơn