Quỹ Bảo hiểm y tế bội chi nghìn tỷ, chỉ đủ cân đối đến 2021
- Tú Mỹ
- •
Tính đến năm 2017, Quỹ Bảo hiểm y tế đã bội chi tới 9.300 tỷ đồng, số dư còn chưa tới 40.000 tỷ đồng. Với tốc độ này, cơ quan thẩm tra cho biết quỹ chỉ còn đảm bảo cân đối đến năm 2021. Mặc dù vậy, mốc này vẫn còn lâu hơn 2 năm so với dự báo trước đó là quỹ sẽ “cạn” vào năm 2019.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2017, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết quỹ BHYT có thể cân đối được thêm 2 năm so với dự báo ban đầu – đến năm 2019 quỹ sẽ rơi vào tình trạng mất cân đối.
Theo báo cáo, dự kiến đến cuối năm 2017, ước thực hiện thu bảo hiểm y tế đạt gần 82.000 tỷ đồng, tăng 9.300 tỷ so với năm 2016 và vượt 0,5% so với dự toán được giao.
Trong khi đó, số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2017 dự kiến gần 89.000 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2016. Còn hơn 3.000 tỷ đồng tạm thời chưa được Bảo hiểm xã hội thanh toán.
Bình quân mức chi 1 thẻ BHYT/năm là trên 1,1 triệu đồng, trong khi mức đóng trung bình khoảng 1 triệu đồng/năm.
Theo báo cáo số 462/BC-CP ngày 18/10/2017, Chính phủ đánh giá với số dư của quỹ BHYT vào khoảng hơn 49.000 tỷ đồng, thì dự kiến quỹ chỉ đảm bảo đủ thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đến năm 2019.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cho thấy thực tế đến hết năm 2017, quỹ BHYT bội chi tới 9.300 tỷ đồng, số dư đến cuối năm 2017 còn chưa tới 40.000 tỷ đồng.
- 90% tiền Quỹ Bảo hiểm xã hội đầu tư vào trái phiếu chính phủ
- Tiền nhàn rỗi từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN được đầu tư vào những đâu?
Với tốc độ bội chi này cùng các giải pháp kiểm soát chi chặt chẽ, cơ quan thẩm tra nhận định quỹ BHYT có thể cân đối được ít nhất đến năm 2021, lâu hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu.
Mặc dù vậy, báo cáo thẩm tra chỉ ra cả nước có tới 59/63 tỉnh bội chi quỹ BHYT năm 2017, trong đó có một số tỉnh bội chi lớn, trên 1.000 tỷ đồng. Đơn cử như Nghệ An bội chi hơn 1.200 tỷ đồng, Thanh Hóa chi vượt thu gần 1.400 tỷ, trong khi Hà Nội và Quảng Nam cũng có mức bội chi tương đối lớn. Chỉ có 4 tỉnh cân đối được quỹ là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Đắk Nông.
Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi quỹ BHYT là do mức đóng bảo hiểm không thay đổi, trong khi mức hưởng và phạm vi quyền lợi của người có thẻ BHYT tăng lên.
Ngoài ra, khả năng mất cân đối quỹ có thể bị ảnh hưởng đáng kể khi thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với người nhiễm bệnh HIV, bởi chi phí bình quân có thể lên đến gần 20 triệu đồng/năm cho mỗi ca điều trị, Ủy ban này cho biết.
Tú Mỹ
Xem thêm:
Từ khóa Tình hình thực hiện chính sách BHYT thu chi bhyt Bảo hiểm xã hội BHYT