Khu vực Công viên địa chất Phú Yên nằm trên 7 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích đất liền khoảng 1.927 km2 và diện tích mặt nước vùng nội thủy khoảng 1.000 km2.

ganh da dia phu yen o
Danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa ở huyện Tuy An. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Ngày 30/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ đã ký quyết định thành lập Công viên địa chất Phú Yên.

Sau khi thành lập Công viên địa chất Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên sẽ thành lập Ban quản lý Công viên địa chất Phú Yên, từ đó đơn vị này sẽ xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Khu vực Công viên địa chất Phú Yên nằm trên 7 huyện, thị xã, thành phố gồm TP. Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An, một phần các huyện Phú Hòa, Tây Hòa và Sơn Hòa.

Công viên địa chất Phú Yên có tổng diện tích đất liền khoảng 1.927 km2 và diện tích mặt nước vùng nội thủy khoảng 1.000 km2 (tính từ bờ ra đến độ sâu khoảng 50 m, bao gồm các đảo ven bờ).

Theo quyết định, Công viên địa chất Phú Yên sẽ được bảo tồn nguyên vẹn và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững, tổng thể các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa (vật thể, phi vật thể), đa dạng sinh học và được định hướng để xây dựng hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khẳng định qua khảo sát và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo đều đánh giá Phú Yên hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí Công viên địa chất toàn cầu.

Theo bà Thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu, đánh giá giá trị di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên”.

Đây là cơ sở khoa học để Phú Yên tiến đến thành lập Công viên địa chất và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Tỉnh Phú Yên có di sản địa chất, địa mạo độc đáo, phản ánh các đặc trưng của đá biến chất cổ. Trong đó, nổi bật là danh thắng thiên nhiên Ghềnh Đá Đĩa (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) với đoạn bờ biển có các cột đá bazan hình lăng trụ, trông giống những chiếc đĩa xếp chồng lên nhau.

Theo các nghiên cứu, bazan tại khu vực này hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm. Các dòng dung nham khi nguội dần thì đông cứng lại và nứt vỡ thành các cột đá hình lăng trụ tương đối đồng đều. Những cột đá nằm sát biển sau đó lại chịu tác động của sóng đánh vào nên tiếp tục nứt theo chiều ngang, tạo thành các đĩa đá.

Minh Long