Thủ tướng được đề xuất quyết chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân
- Minh Long
- •
Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được trình Quốc hội, với nội dung nổi bật là phân quyền cho Thủ tướng quyết định đầu tư nhà máy điện hạt nhân.
- EVN và PVN làm chủ đầu tư hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
- QH đồng ý xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và tuyến đường sắt Lào Cai-Hải Phòng

Chiều ngày 5/5, tại phiên họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Dự thảo luật đề xuất phân quyền cho Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân, thay vì Quốc hội như quy định trong Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công hiện hành.
Dự thảo luật tập trung vào bốn chính sách chính: thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, đồng thời phân cấp quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân, cùng với ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Dự thảo gồm 12 chương, 73 điều, giảm hơn 20% số điều so với Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008.
Về thủ tục hành chính, dự thảo giảm từ 76 xuống còn 51, tương ứng 32,9%, với 25 thủ tục được bãi bỏ, 9 thủ tục sửa đổi và 42 thủ tục giữ nguyên.
Ngoài ra, dự luật bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, và ưu đãi nghề cho người làm việc trong lĩnh vực này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, đại diện cơ quan thẩm tra, đồng ý với nội dung dự thảo và tên gọi, phạm vi dự án luật.
Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị quy định rõ chức năng, mối quan hệ công tác và năng lực kỹ thuật của cơ quan pháp quy hạt nhân, đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn an toàn và an ninh hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Về an toàn và an ninh hạt nhân, Ủy ban kiến nghị bổ sung quy định phê duyệt thiết kế nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Thiết kế do đối tác nước ngoài thực hiện cần được cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đó thẩm định, có tính đến yêu cầu đặc thù của Việt Nam. Nếu do cơ quan chuyên môn Việt Nam thiết kế, cần tuân thủ các yêu cầu về an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA.
Liên quan đến chất thải phóng xạ, Ủy ban đề nghị bổ sung chính sách kiểm soát chất thải, rà soát kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân để đảm bảo tính khả thi và chặt chẽ, thống nhất với Luật Phòng thủ dân sự và dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp.
Về bồi thường thiệt hại hạt nhân, do Việt Nam chưa tham gia Công ước bồi thường hạt nhân, Ủy ban đề nghị tham khảo hướng dẫn của IAEA và tham vấn chuyên gia để đảm bảo tính khả thi.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận hai luồng ý kiến: một số ý kiến đồng ý vì quỹ sẽ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, nhưng số khác cho rằng cần cân nhắc kỹ do ngân sách hạn hẹp và có quỹ tương đồng như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Ủy ban đề nghị quy định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng quỹ.
Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008 và có hiệu lực từ 1/1/2009, đã thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Tuy nhiên, sau hơn 15 năm, luật này bộc lộ nhiều bất cập, như chưa đồng bộ với các luật mới, chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của khoa học, công nghệ hạt nhân.
Từ khóa năng lượng Hạt nhân Điện hạt nhân Phạm Minh Chính Năng lượng nguyên tử
