Tiểu thương chỉ được bán lại khi tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin – có trái với quyền tự nguyện, lựa chọn vắc-xin?
- Nguyễn Quân
- •
Theo yêu cầu của Bộ Công thương Việt Nam, chợ truyền thống, chợ tạm chỉ được mở cửa hoạt động khi những người làm tại chợ (người quản lý, tiểu thương, người bốc vác…) phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Tại công văn số 4728 do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ký chiều 5/8 gửi UBND các tỉnh thành, các chợ tạm, chợ đã dừng hoạt động chỉ được mở cửa khi:
Địa điểm bảo đảm việc phòng dịch bệnh; chỉ kinh doanh hàng hóa thiết yếu theo quy định; có biện pháp kiểm soát tốt mật độ, tần suất người mua bán; tổ chức mua bán theo nguyên tắc một chiều; thực hiện tốt nguyên tắc 5K khi mua bán…
Những người làm việc ở các chợ tạm hay chợ mới mở lại phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin; trước khi quay trở lại làm việc phải được xét nghiệm (bằng phương pháp PCR) và có kết quả âm tính còn hiệu lực; toàn bộ chợ và xung quanh phải được vệ sinh, khử khuẩn.
Người làm việc tại chợ phải khai báo y tế trước khi vào chợ (bằng mã QR code hoặc thẻ ra vào chợ…), đo thân nhiệt tại khu vực cửa vào chợ, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định.
Nếu người làm việc trong chợ có một trong các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở…, phải báo cho đơn vị quản lý chợ, y tế địa phương để được tư vấn và xử lý theo quy định.
Các xe vận chuyển hàng hóa ra vào chợ phải có nhật ký hành trình di chuyển để cơ quan chức năng kiểm tra khi cần thiết, có cài đặt Bluezone, phần mềm khai báo y tế.
Riêng đối với chợ đầu mối, Bộ Công thương yêu cầu bố trí khu vực test nhanh tại chợ (nếu có thể), bán hoặc cung cấp các trang thiết bị cần thiết cho phòng chống dịch tại chợ.
“Cơ quan có thẩm quyền cho phép chợ mở cửa hoạt động trở lại nếu đáp ứng các yêu cầu nêu trên” – theo nội dung văn bản.
Quy định trên đồng nghĩa tiểu thương các chợ chỉ được bán hàng trở lại khi tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin COVID-19. Điều này trái với quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, “vắc-xin, sinh phẩm y tế được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc”; trường hợp bắt buộc tiêm khi căn bệnh thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm buộc phải tiêm vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Danh mục này hiện mới chỉ có 10 loại bệnh, trong đó không có COVID-19.
Ngoài ra, quy định do Bộ Công thương đưa ra tại công văn số 4728 không đề cập về quyền lựa chọn loại vắc-xin của người lao động, khi nhiều loài vắc-xin đang được đưa vào tiêm chủng, với hiệu quả ngừa bệnh khác nhau, song tiêm theo danh sách, theo đợt, theo khu vực hành chính, và theo đối tượng, tức một nhóm ngành nghề của một khu vực được gom chung tiêm một loại vắc-xin do chính quyền quyết định.
Gần đây nhất, sáng 3/8, giới chức TP.HCM đưa ra tuyên bố sẽ “tiêm chủng vắc xin theo nguyên tắc minh bạch và tự nguyện”, bao gồm đối với 1 triệu liều vắc-xin Sinopharm đang được Bộ Y tế thẩm định chất lượng trước khi đưa ra tiêm đại trà.
Nhóm người “ưu tiên” trong các đợt tiêm vắc-xin sử dụng vắc-xin Sinopharm tại Việt Nam hiện liên tục được mở rộng, từ công dân Trung Quốc sống tại Việt Nam (TP.HCM), người có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc; chuyên gia, lao động Trung Quốc; đến cư dân biên giới, công nhân (làm việc tại DN Trung Quốc đầu tư nói riêng và công nhân nói chung), mở rộng tiếp đến tiểu thương, xe ôm, tài xế taxi, người bốc vác… (Quảng Ninh); bổ sung thêm tài xế, phụ xe đường dài; công nhân làm việc tại TP; người tự nguyện (Hải Phòng).
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Tiểu thương Tiêm vắc-xin COVID-19 Vắc-xin Sinopharm bắt buộc tiêm vắc-xin