TP.HCM: Bị chó cắn khi đi chúc tết, 1.365 người phải tiêm phòng dại
- Thạch Lam
- •
Trong kỳ nghỉ tết vừa qua, bệnh nhân đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại tăng cao. Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã tiêm phòng bệnh dại cho 1.365 người, đa phần bị chó, mèo cắn khi đi chúc tết.
Ngày 31/1, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết bệnh viện đã tiếp nhận và tiêm phòng bệnh dại cho 1.365 người ở TP.HCM trong kỳ nghỉ tết vừa qua, đa phần là do bị chó, mèo và động vật nuôi tấn công khi đi chúc tết.
Đồng thời, do nhiều cơ sở tiêm chủng, phòng khám nghỉ nên người dân phải đến bệnh viện để tiêm phòng bệnh dại, dẫn đến việc bệnh viện tiếp nhận và xử lý nhiều trường hợp hơn.
Điển hình là trường hợp của anh N.V.H (SN 1991, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ngày mùng 2 tết vừa qua, anh H. cùng gia đình đến nhà họ hàng chúc tết. Khi đến nơi thấy cửa nhà đang mở, anh nói to chúc mừng năm mới, bất ngờ bị con chó đang nuôi con nằm trong góc nhà của gia chủ chạy ra cắn vào chân phải. Tuy vết thương không gây nguy hiểm nhưng chảy máu và làm anh H. đau nhức.
Do chủ nhà không nhớ thời gian tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh dại, anh H. đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi sơ cứu, khử trùng vết thương tại nhà.
Bệnh dại lây truyền qua vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Nếu vết thương nặng, gần các dây thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người, tỷ lệ tử vong là gần như 100%.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy – Khoa Kiểm Soát & Phòng Ngừa Bệnh Tật, Viện Pasteur TP.HCM cho biết nếu bị súc vật cắn thì phải xử lý sớm vết cắn bằng cách rửa thật sạch với nước và xà phòng cùng các chất sát trùng khác. Sau đó, nhanh chóng đưa người bị cắn đến khám tại các cơ sở y tế.
Bác sĨ khuyến cáo khi bị chó mèo cắn cần chủ động đi tiêm chủng, vì đây được cho là phương pháp hiệu quả cao để phòng ngừa bệnh dại.
Để phòng chống bệnh dại, cần thực hiện tốt việc tiêm phòng đầy đủ cho động vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm, không thả rông chó, mèo, phải đeo rọ mõm khi cho chó ra đường, không trêu chọc chó, mèo.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tỉ lệ tử vong do bệnh dại ở Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới. Tính từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã có gần 1.000 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 54/63 tỉnh, thành phố, trong đó, 97% do chó và 3% do mèo.
Mỗi năm, trung bình Việt Nam có hơn 500.000 người bị phơi nhiễm. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, có hơn 367.000 người bị phơi nhiễm và đã có 43 ca tử vong ở 17 tỉnh/thành phố. Năm 2022, TP.HCM chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh dại.
Từ khóa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM vắc xin bệnh dại tiêm phòng vắc xin