Từ 2017 đến 2020, TP.HCM giảm tỷ lệ rác chôn lấp từ 75% xuống 50%
- Vĩnh Long
- •
Tại kỳ họp bất thường vào ngày 11/6 của HĐND TP.HCM bàn về chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn, một số số liệu về tình hình xử lý rác thải của TP được công bố, cho thấy tỷ lệ rác thải xử lý theo phương pháp chôn lấp lên tới 75%.
Theo Báo cáo tóm tắt của Sở Tài nguyên và môi trường, hiện mỗi ngày TP thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải, tỷ lệ chôn lấp chiếm đến 76%, tương đương hơn 6.300 tấn.
Chôn lấp tại Bãi rác Đa Phước (Bình Chánh) khoảng 5.500 tấn/ngày với giá 20,9 USD/tấn. Số còn lại được chôn lấp, tái chế và làm phân compost tại các đơn vị thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc – Củ Chi.
Lượng nước thải vào khoảng 1.750.000 m3/ngày (tổng lượng nước được khai thác, cấp sử dụng trên địa bàn TPHCM khoảng 1.850.000 m3/ngày, trong đó lượng nước cấp là 1,2 triệu m3/ngày, nước ngầm khai thác khoảng 650.000 m3/ngày).
Theo thống kê, tổng số nguồn phát thải khí thải công nghiệp trên địa bàn TP khoảng 839 nguồn, trong đó nguồn thải trong khu công nghiệp là 233 nguồn, trong cụm công nghiệp là 25 nguồn và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp là 581 nguồn.
Ngoài ra còn nguồn ô nhiễm do giao thông với 7.976.845 phương tiện gồm xe ôtô, xe mô tô, xe gắn máy đăng ký lưu hành, gây ô nhiễm môi trường không khí và ô nhiễm tiếng ồn.
Trước đó, theo báo cáo của UBND TP vào tháng 3/2017, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn thành phố năm 2014 ước tính khoảng 9.000 – 9.500 tấn/ngày, trong đó chôn lấp tới 75%, 15% xử lý bằng phương pháp chế biến compost (ủ rác hữu cơ thành phân bón), khoảng 5-10% xử lý bằng công nghệ đốt.
Theo Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp, TP thống nhất đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn thông thường xuống 50%, đến năm 2025 là 20%.
Tỷ lệ các đối tượng thực hiện phân loại rác đúng quy định đạt tối thiểu 50% và tăng dần vào các năm tiếp theo; đến năm 2020 chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Về minh bạch thông tin, mục tiêu đến năm 2018, 100% người dân TP tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường; từ năm học 2018 -2019, 100% học sinh các cấp học phổ thông được giáo dục về kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường.
Theo thông tin từ Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong tháng 7, chủ đầu tư 4 khu xử lý rác Đa Phước, Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa và Phước Hiệp phải mở cửa định kỳ cho người dân vào giám sát tình hình môi trường.
Chính quyền thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đến năm 2020 chuyển 1.000-2.000 tấn rác sang công nghệ xử lý hiện đại, tức mới chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số rác xử lý hiện tại (5.500 tấn/ngày).
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa bãi rác Đa Phước ô nhiễm môi trường TPHCM TP.HCM giảm tỷ lệ rác chôn lấp rác thải xử lý theo phương pháp chôn lấp công nghệ xử lý rác hiện đại