Dự án dọn sạch đại dương của cậu thanh niên 22 tuổi sẽ triển khai trong năm 2018
Boyan Slat chỉ là một học sinh cấp 3 người Hà Lan bình thường khi cậu du lịch tới Hy Lạp và thử đi lặn dưới biển, nơi cậu bị bao quanh bởi toàn rác thải nhựa.
“Có nhiều túi nhựa hơn là cá,” cậu phát biểu với MNN vài năm trước. “Đó là khi tôi nhận ra đây là một vấn đề lớn và vấn đề môi trường này thật sự là vấn đề lớn nhất mà thế hệ của tôi phải đối mặt.”
Cũng như nhiều người trong chúng ta, Slat đã nghe tới những vùng chứa rác lớn trên đại dương, và cậu nghĩ chắc hẳn ai đó, ở đâu đó đang cố gắng xử lý chúng. Khi tìm hiểu, cậu biết rằng đã có nhiều ý tưởng dọn rác được đưa ra, nhưng hầu hết đều dựa vào dùng lưới để lọc rác ra khỏi nước. Những lưới này đồng thời cũng bắt vào nhiều cá, rùa và những loài sinh vật khác; chúng không thực sự hữu ích. Vì vậy, cậu thanh niên Slat đã tự nghiên cứu một giải pháp khác.
“Rốt cuộc tôi quyết định sẽ hoãn lại đại học và cuộc sống cá nhân để tập trung thời gian vào ý tưởng này. Tôi không chắc nó có thành công không, nhưng xét trên quy mô của vấn đề tôi nghĩ điều quan trọng là hãy cứ thử xem,” Boyan Slat cho biết.
Giờ đây, dù nhiều nhà khoa học nói rằng cậu sẽ thất bại, Slat đã sẵn sàng để bắt đầu khởi động các tấm chắn nổi thu gom rác vào năm 2018, sau 2 năm nghiên cứu tính khả thi.
Chỉ mới 6 năm sau chuyến đi lặn biển ở Hy Lạp, cho tới hiện tại 320 triệu USD quyên góp cho dự án có vẻ như đã phát huy tác dụng tốt.
Theo tính toán của Slat, các tấm chắn nổi sẽ thu thập khoảng 50% Vùng rác lớn trên Thái Bình Dương trong 5 năm (trước đây cậu ước tính là 42% trong 10 năm).
Một “bờ biển nổi” thu gom rác
Thiết kế này dựa trên các tấm chắn khổng lồ nổi trên nước và đóng vai trò như những bờ biển mini. Cũng như cách rác trôi dạt lên bờ biển, các tấm chắn này sẽ thụ động gom rác lại và kéo vào trung tâm. Cứ khoảng 1 tháng, tàu sẽ đến và lấy rác đi.
Thời gian dự tính của dự án đã giảm đi nhờ vào thiết kế mới, đặc biệt là cải tiến trong quy trình thiết kế sản phẩm. Thay vì gắn chặt các tấm chắn vào đáy biển – một thách thức quá khó về mặt kĩ thuật, chúng sẽ trôi nổi trên biển với các neo nằm ở sâu dưới nước. Điều này cho phép các tấm chắn di chuyển chậm, nhưng vẫn thực hiện được chức năng của chúng. Đa phần chúng sẽ được giữ nguyên bởi các dòng thủy triều ở dưới sâu, vốn di chuyển chậm và đều đặn.
Trong buổi họp báo diễn ra vào ngày 11/5 vừa qua, đội ngũ thiết kế đã cho công chúng chiêm ngưỡng những mỏ neo nói trên.
“Rác thải nhựa và hệ thống thu gom rác đều chịu tác động của những loại lực như nhau. Nói cách khác, rác đi đâu thì hệ thống thu gom sẽ tự động theo đó, như những nam châm rác vậy. Ý tưởng này khả thi hơn, và cũng thu gom nhựa hiệu quả hơn,” theo trang web Ocean Cleanup. Slat gọi hệ thống mới này là những “hạm đội” tấm chắn gom rác.
Tất cả hệ thống sẽ hoạt động nhờ năng lượng mặt trời, và linh hoạt theo dòng thủy triều. Ban đầu, “Slat tưởng tượng đến một thiết bị khổng lồ dài gần 100km. Giờ cậu đang nghĩ tới 50 thiết bị, mỗi cái dài gần 1km mà thôi. Chúng sẽ dễ nhân rộng và giảm rủi ro, nếu có một cái hỏng thì vẫn còn 49 cái khác hoạt động. Ngoài ra, chi phí có thể rót từ từ, thay vì một số tiền quá lớn trong một lần,” Ben Schiller viết trên trang Fast Company.
Thời gian là then chốt
Một trong những tấm chắn 1km trên sẽ được thử nghiệm vào cuối năm nay, và hệ thống sẽ được triển khai 2 năm sớm hơn kế hoạch ban đầu. Điều này là quan trọng, như Slat đã chỉ ra trong video trên, hiện tại chỉ 3% số nhựa mà nhóm của cậu thu được là vi hạt nhựa – tức hầu hết rác thải nhựa vẫn còn đủ lớn đễ thu gom được dễ dàng.
“Đây là điều tôi lo sợ nhất,” Slat nói. “Điều sẽ xảy ra trong một vài thập niên tới là: những vật thể to sẽ vỡ nhỏ ra thành vi hạt nhựa, làm tăng lượng vi hạt lên hàng chục lần. Trừ khi chúng ta dọn sạch chúng đi. Chúng ta phải gỡ quả bom nổ chậm này,” cậu nói.
Đây là một dự án khổng lồ – mà đó mới chỉ là Vùng rác lớn của Thái Bình Dương mà thôi, các nhà khoa học ước tính có 5 nghìn tỷ mẩu rác nhựa đang trôi nổi ngoài kia – một số đã ở đó 40 năm rồi. Boyan Slat đã thực hiện nhiều thử nghiệm, hợp tác với các nhà khoa học và dùng mô hình máy tính để dự đoán lượng rác các tấm chắn nổi có thể thu gom. Cậu tự tin rằng mỗi năm có thể thu về hàng tấn rác và đưa vào bờ, đem đi tái chế để thu về lại một phần chi phí hỗ trợ dự án.
Vẫn còn 1 số hoài nghi như: liệu hệ thống này có đứng vững trước những cơn bão hay các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác? Nếu như chúng vỡ tan tành thì cái mảng rác lớn đại dương kia lại có thêm những thành viên mới. Ngoài ra, hệ thống này có thể thu hút những loài sinh vật biển khác tới gần và ăn chính chỗ rác mà hệ thống thu gom được…
Dù sao đi nữa, nếu dự án Ocean Cleanup thành công thì ý nghĩa của nó sẽ là rất lớn. Chỉ ngay năm sau thôi, chúng ta sẽ có thể chứng kiến kết quả từ kế hoạch táo bạo của Boyan Slat.
Video Boyan Slat và quá trình ra đời của dự án The Ocean Cleanup:
Theo MNN, BusinessInsider
Sơn Vũ
Xem thêm:
Từ khóa dưới đáy đại dương bảo vệ môi trường rác thải sáng tạo xanh rác thải nhựa