Từ năm 2025, khách hàng chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán điện tử khi tài khoản đã đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện.

tu 2025 rut tien thanh toan dien tu phai xac thuc tai khoan chinh chu
Một phụ nữ thanh toán qua mã QR tại quán cafe. (Ảnh minh họa: Roman Zaiets/Shutterstock)

Thông tư 17/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 (Thông tư 17) quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán có hiệu lực từ 1/7/2024. Một số điều khoản có hiệu lực muộn hơn, trong đó, đáng chú ý là quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17 có hiệu lực từ 1/1/2025.

Điểm c khoản 5 Điều 17 Thông tư 17 quy định khách hàng chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán điện tử khi tài khoản đã “đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức)”.  

Theo đó, khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán (tài khoản ngân hàng) chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử (chuyển tiền online) trên tài khoản thanh toán khi đã được xác thực tài khoản chính chủ.

Dữ liệu sinh trắc học của chủ tài khoản phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ CCCD gắn chip hoặc thẻ CCCD của chủ tài khoản đã được xác thực chính xác do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Đối với trường hợp người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch thì xác thực bằng dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp.

Đối với trường hợp sử dụng thẻ CCCD không gắn chip, dữ liệu sinh trắc học cần khớp với dữ liệu được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các biện pháp xác thực được áp dụng đối với từng loại giao dịch trong thanh toán bằng phương tiện điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng bằng phương tiện điện tử.

Các quy định trên áp dụng đối với cả việc thanh toán điện tử bằng VND hay bằng ngoại tệ của người không cư trú, người cư trú là cá nhân nước ngoài.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2025, cá nhân/tổ chức nếu muốn rút tiền, giao dịch thanh toán điện tử đều phải hoàn thành đăng ký sinh trắc học.

Quy định trên tăng thêm một bước xác thực so với quy định phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ trên 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày theo Quyết định 2345 của NHNN có hiệu lực từ 1/7/2024. Việc này được cho là nhằm xóa bỏ hoàn toàn các tài khoản ngân hàng không chính chủ, và tăng mức độ an toàn cho chủ tài khoản khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Do Thông tư 17 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, việc đăng ký sinh trắc học với mọi tài khoản không có nghĩa là tất cả mọi giao dịch đều phải thực hiện xác thực sinh trắc học. Theo đó, các giao dịch bắt buộc phải thực hiện xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền vẫn được áp dụng theo quy định tại Quyết định 2345 của NHNN.

Không thể rút tiền, giao dịch trên tài khoản nếu CCCD hết hạn

Điều 19 Thông tư 17 quy định chi tiết trách nhiệm của ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn, bảo mật trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Theo đó, các ngân hàng (bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài) phải ban hành quy định nội bộ về quản lý rủi ro trong mở và sử dụng tài khoản cho khách hàng, bao gồm kiểm tra, đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thiết lập Bộ tiêu chí nhận diện các tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật; xác định (kèm giải pháp xử lý) các loại rủi ro có thể phát sinh trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán và biện pháp xử lý rủi ro tương ứng.

Các ngân hàng phải quy định về việc kiểm tra, đối chiếu thông tin nhận biết chủ tài khoản với Hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán của Ngân hàng Nhà nước và danh sách khách hàng liên quan nghi ngờ gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật đã được Bộ Công an và cơ quan chức năng khác cung cấp (nếu có) để áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp;

Quy định nội bộ về quản lý rủi ro phải thường xuyên được rà soát, chỉnh sửa bổ sung dựa trên các chỉ đạo, khuyến nghị, cảnh báo của cơ quan chức năng và các thông tin, dữ liệu cập nhật, rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán cho khách hàng.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân của chủ tài khoản và người liên quan trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán; thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tùy thân để kịp thời yêu cầu khách hàng cập nhật, bổ sung thông tin.

Phía ngân hàng có quyền tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán đối với các trường hợp giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác minh lại thông tin nhận biết khách hàng, áp dụng biện pháp theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền khi chủ tài khoản thanh toán cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp của tổ chức mở tài khoản thanh toán có trong Danh sách đen về phòng, chống rửa tiền, Danh sách nghi ngờ gian lận, lừa đảo của Hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán của Ngân hàng Nhà nước hoặc danh sách khách hàng liên quan nghi ngờ gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật đã được Bộ Công an và cơ quan chức năng khác cung cấp (nếu có);

Việc xác minh lại thông tin là bắt buộc khi thông tin về tài khoản thanh toán, chủ tài khoản thanh toán sai lệch, không phù hợp với thông tin, dữ liệu của cơ quan có thẩm quyền.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước công bố vào đầu tháng 7/2024, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh; số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 – 2023 đạt trên 100%/năm.

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ VND/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Nguyễn Quân