Vẫn chiêu lừa ‘dính vụ án’, một phụ nữ bị lừa 15 tỷ đồng
- Minh Sơn
- •
Sợ hãi khi bị nói liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền, người phụ nữ 68 tuổi làm theo hướng dẫn qua điện thoại, tổng cộng bị lừa mất 15 tỷ đồng.
- Luật sư: Lừa đảo qua mạng đánh vào lòng tham hoặc nỗi lo sợ
- C.A Hà Nội báo tìm được tiền bị lừa đảo: Nạn nhân bị lừa nhiều nhất 10 tỷ đồng
Ngày 7/5, Công an TP. Hà Nội cho biết cơ quan này đang xác minh vụ một người phụ nữ lớn tuổi bị lừa đảo qua điện thoại mất 15 tỷ đồng.
Theo thông tin ban đầu, ngày 5/4, bà P. (SN 1956, trú tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội) nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ công an. Người này nói căn cước công dân của bà P. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Nếu bà P. không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày nữa sẽ bị bắt.
Sợ hãi, bà P. tin lời và làm theo hướng dẫn, chuyển tiền vào tài khoản được đưa để minh oan. Bà P. đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Sau đó, bà P. biết mình bị lừa nên đã ra cơ quan công an trình báo.
“Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.” – Công an TP. Hà Nội cho hay.
Theo đó, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Ngày 5/4 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội cho hay đã phát hiện được 18 tài khoản nhận tiền lừa đảo, xác định được 28 nạn nhân bị lừa với tổng số tiền hơn 35 tỷ đồng.
Danh sách 28 nạn nhân được công an công bố để tìm người cho thấy nhóm nạn nhân gồm từ giáo viên về hưu, đến người làm nghề tự do, nông dân, có người có con làm trong ngành công an, ngân hàng. Có 2 cặp vợ chồng hưu trí bị lừa nhiều nhất lên tới 10 tỷ đồng, cùng vào khoảng tháng 1/2024.
Thủ đoạn lừa đảo là giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án,… liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội đe dọa nạn nhân rằng họ có liên quan đến vụ án ma túy; bắt cóc trẻ em; rửa tiền hoặc thông báo thuê bao di động của nạn nhân đã bị lợi dụng để đăng tải các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước…; sẽ có lệnh bắt tạm giam, phong tỏa tài sản, cắt thuê bao di động (có trường hợp gửi lệnh bắt giữ (giả) cho bị hại để đe dọa).
Sau đó, nạn nhân bị dồn ép phải “chứng minh tiền trong sạch” bằng cách chuyển tiền vào tài khoản khác hoặc cung cấp các thông tin đăng nhập, mã OTP của tài khoản ngân hàng…
Từ khóa lừa đảo qua điện thoại giả danh công an