Việt Nam cần ‘sớm ban hành pháp lý liên quan đến ChatGPT’
- Minh Long
- •
PGS.TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), cho rằng Việt Nam “cần sớm nghiên cứu và ban hành các khuôn khổ pháp lý liên quan, bảo đảm việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các công việc một cách tường minh và có trách nhiệm rõ ràng, chỉ rõ nguồn gốc các phần được tạo ra từ công cụ hỗ trợ ChatGPT…”.
- ‘Cha đẻ’ của ChatGPT Sam Altman hy vọng AI có thể “phá vỡ chủ nghĩa tư bản”
- ChatGPT lập kỷ lục với 100 triệu người dùng trong 2 tháng
- ChatGPT dùng trong tòa án khi còn nhiều đáng ngờ về tính khả tín của nó
- Google có thể ra mắt đối thủ cạnh tranh với ChatGPT
ChatGPT (Chat Generative Pre-trained Transformer) là một chatbot do công ty công nghệ OpenAI phát triển. ChatGPT có thể được hiểu đơn giản là một công cụ sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo). Điểm đặc biệt của AI này nằm ở kỹ thuật diễn giải ngôn ngữ một cách rất tự nhiên cùng với kho “kiến thức” vô cùng lớn mà ChatGPT có được từ bộ dữ liệu huấn luyện ban đầu do OpenAI dựng sẵn (300 tỷ từ).
ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì. Bên cạnh đó, ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí là cả sửa lỗi trong lập trình.
Với những câu trả lời chưa đạt theo đánh giá của người dùng, ChatGPT tiếp nhận liên tục các phản hồi, đánh giá đúng sai của người dùng với từng phiên truy vấn và tiếp tục “tự học” và tinh chỉnh kiến thức của mình. Nhiều người đã sử dụng ChatGPT để làm những việc trên, điều này đã khiến cho AI ngày càng thông minh hơn.
Nhận định về ChatGPT, báo Tiền Phong hôm 6/2 dẫn lời PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho hay sự phát triển của ChatGPT khiến nhiều người lo lắng sẽ có tác động tiêu cực vì ngoài tiện ích, học sinh có thể dùng công cụ này để gian lận trong học tập, thi cử .
“Thực tế đó đặt ra cho giáo viên, nhà trường một thách thức là sẽ có phần khó khăn khi nhận diện học sinh chăm chỉ và học sinh lười học tập. Bên cạnh những em miệt mài đọc sách, nghiên cứu tài liệu, nghiêm túc làm bài tập sẽ có những em dùng ứng dụng hoàn thành trong vài phút”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, trong bối cảnh đó, giáo viên đánh giá học sinh cũng phải thay đổi theo hướng không thể đánh giá dựa trên trí nhớ mà phải sáng tạo. Ra các dạng đề cho tất cả học sinh có thể thoải mái dùng ChatGPT nhưng chấm điểm em nào sáng tạo hơn. Để làm được điều đó cũng không dễ vì giáo viên muốn đánh giá học sinh sáng tạo chính người đó phải thực sự sáng tạo.
Một xu hướng nữa là nhiều giáo viên cũng có thể sử dụng ChatGPT để chấm điểm và phản hồi cho từng học sinh. Như vậy, cả giáo viên và học sinh cùng lười.
“Đáng lo ngại nữa là người ta có thể tận dụng AI này để tạo ra những thông tin giả, thiếu chính xác và lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội ở trình độ mà con người không thể phân biệt được”.
“ChatGPT mới ra đời có nguy cơ khiến học sinh đạo văn, gian lận và mất động lực học tập tập tích cực. Học sinh thậm chí không còn hứng thú với học cách viết, cách làm toán. Và ChatGPT cũng có thể dịch được ra bất cứ ngôn ngữ nào khiến cho người học không còn động lực học ngoại ngữ”, ông Nam cho hay.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), với sự ra đời của ChatGPT, chúng ta rất khó có thể biết được một tài liệu văn bản do con người làm ra hay do công cụ thông minh như ChatGPT thực hiện.
“Đây là một thách thức rất lớn cho bộ máy quản lý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc đánh giá năng lực thực sự của nhân viên”, ông Thắng nói trên báo Chính phủ hôm 6/2.
Theo ông Thắng, với khả năng tự sinh bài viết từ kho tri thức tổng quát, chưa đủ chuyên sâu, ChatGPT chỉ có thể hỗ trợ, thay thế nhân lực ở trình độ sơ cấp (học sinh, sinh viên…). Với những lĩnh vực đòi hỏi tri thức chuyên sâu như viết báo, biên tập viên…. ChatGPT chưa thể thay thế được con người.
Bản chất của những tri thức, bí quyết chuyên sâu nằm ở kinh nghiệm của chuyên gia được tích lũy qua nhiều năm. Quan trọng hơn, những bí quyết này không thể số hóa được hoặc rất ít với số lượng không đáng kể trong kho dữ liệu dựng sẵn của OpenAI hay Google…
Với những mặt tiêu cực từ ChatGPT, ông Thắng cho rằng “Việt Nam cần sớm nghiên cứu và ban hành các khuôn khổ pháp lý liên quan, bảo đảm việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các công việc một cách tường minh và có trách nhiệm rõ ràng, chỉ rõ nguồn gốc các phần được tạo ra từ công cụ hỗ trợ này…”.
Từ khóa trí tuệ nhân tạo AI openAI ChatGPT Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam