Hội đồng Lúa gạo Quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo…

viet nam muon thanh lap hoi dong lua gao quoc gia
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu 290.035 tấn gạo. (Ảnh: M.Gunsyah/shutterstock)

Việc thành lập Hội đồng Lúa gạo Quốc gia được hai Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đề xuất tại buổi làm việc chiều 6/8.

Nói về lý do muốn thành lập Hội đồng Lúa gạo Quốc gia, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng hiện khung pháp lý ngành hàng lúa gạo đang bộc lộ nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung; chưa tạo ra được động lực mạnh, môi trường thuận lợi cho người sản xuất và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo;

Thông tin, số liệu về ngành hàng lúa gạo không đầy đủ, xác thực và không phản ánh đúng thực tế gây khó khăn cho điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo trong những thời điểm nhạy cảm.

Ngành hàng lúa gạo hiện nay chưa sản xuất chưa theo quy hoạch dẫn đến dư thừa cục bộ, ảnh hưởng đến người sản xuất; thu nhập người trồng lúa còn thấp.

Ngành lúa gạo cũng đứng trước nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, thị trường trong nước và thế giới diễn biến nhanh, xu thế tiêu dùng thay đổi, nhiều nguồn tài nguyên suy giảm, nhất là tài nguyên nước.

“Ngành lúa gạo hiện nay rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT”, ông Hoan nói.

Khi được thành lập, Hội đồng Lúa gạo Quốc gia sẽ xử lý nhanh chóng các vấn đề nảy sinh trong hoạt động thương mại ngành lúa gạo. Cụ thể, như vấn đề Thái Lan, Ấn Độ… có các chính sách mới, đột xuất về xuất khẩu gạo; vấn đề thương hiệu gạo bị giả mạo (cụ thể là gạo ST 25).

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia là “cường quốc xuất khẩu gạo”, ngành lúa gạo góp phần làm nên thương hiệu Việt Nam.

Nhưng thực tế, Việt Nam sản xuất lúa gạo còn manh mún, công nghệ chưa tiên tiến; xuất khẩu gạo chưa đa dạng được thị trường, còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống; chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nước ngoài.

Theo ông Diên, ở một số thị trường khó tính, gạo Việt Nam đã có “chỗ đứng” nhưng doanh nghiệp, sản xuất gạo không duy trì được vị thế và tự đánh mất thị trường.

“Nếu hội đồng này được lập ra thì sẽ phải tư vấn cho Chính phủ có những chính sách hùng mạnh và khả thi để gạo Việt Nam có giá trị, thương hiệu trên thị trường thế giới”, ông Diên nói.

Dự kiến, dự thảo thành lập Hội đồng Lúa gạo Quốc gia sẽ hoàn chỉnh trong tháng 8 để trình Chính phủ.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu 290.035 tấn gạo, giá trị 177 triệu USD, tăng 15% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, dự tính 7 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo có thể đạt 5,26 triệu tấn, với kim ngạch 3,34 tỷ USD.

Philippines là thị trường đứng đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam với gần 1,94 triệu tấn, trị giá khoảng 1,21 tỷ USD; tiếp đến là Indonesia với 712.438 tấn, tương đương 444,41 triệu USD; thứ ba là Malaysia với 461.555 tấn gạo, trị giá 274,72 triệu USD…

Theo dự báo của nhiều doanh nghiệp, xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc vào cuối năm 2024, khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Minh Long