Việt Nam nhập những loại vắc-xin COVID-19 nào để tiêm chủng diện rộng?
- Nguyễn Quân
- •
Việt Nam đang tiếp cận tổng cộng 150 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19, với số lượng 60 triệu, 30 triệu và 60 triệu lần lượt của ba loại vắc-xin: AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ), Sputnik V (Nga).
Ngày 30/12/2020, Bộ Y tế công bố có tổng cộng 1454 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam. Khoảng 17,9 nghìn tỷ đồng ngân sách đã được chi cho các hoạt động phòng dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh, Bộ Tài chính cho biết hồi đầu tháng 12.
Trong vòng chưa đầy hai tháng sau, số người nhiễm bệnh tăng nhanh chóng lên 2412 ca mắc, trong đó 820/958 ca tăng thêm là ca lây nhiễm trong cộng đồng, ghi nhận đợt bùng phát với số ca lây nhiễm lớn nhất từ trước tới nay. Tổn thất trong đợt dịch tái bùng phát lần 3 này chưa được công bố. Cùng trong đợt bùng phát này, không tiếp tục đợi nguồn vắc-xin trong nước, Chính phủ tiến hành nhập vắc-xin từ các nước để tiêm chủng trong cộng đồng, dự kiến trên 100 triệu liều, gồm cả tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và dịch vụ.
Trước mắt, vắc-xin sẽ được tiêm miễn phí cho các nhóm người có nguy cơ lây nhiễm (nhân viên y tế, người đi lấy mẫu, truy vết, các chốt kiểm soát…), tiến tới về lâu dài thì thực hiện tiêm miễn phí như trong các chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc-xin dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả cao hơn.
Tại cuộc họp sáng 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đang tiếp cận vắc-xin ngừa COVID-19 từ các hãng sau:
Vắc xin do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford (Vương quốc Anh) phối hợp sản xuất, trong đó 30 triệu liều do Bộ Y tế mua của AstraZeneca thông qua công ty VNVC; 30 triệu liều cung cấp qua chương trình COVAX Facility. Bộ Y tế cho biết đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều từ chương trình hỗ trợ này.
Trưa 24/2, 117.600 liều vắc-xin ngừa COVID-19 AstraZeneca đầu tiên đã về đến Việt Nam. Ông Long cho biết đầu tháng 3 sẽ bắt đầu tiêm lô vắc xin này cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao, là các nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, lực lượng biên phòng tại các chốt, công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch…
Cuối tháng 3 có thể thêm 1,2 triệu liều vắc-xin của Astra Zeneca, ưu tiên tiêm cho người có nguy cơ, vùng có nguy cơ.
Loại vắc-xin thứ hai là là vắc-xin Pfizer (Mỹ). Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung cấp cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều.
Vắc-xin này đòi hỏi phải bảo quản trong nhiệt độ -70°C và tiêm trong vòng 5 ngày sau khi rã đông, nếu không tiêm kịp trong thời hạn đó thì sẽ gây lãng phí.
Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam chưa có hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ âm sâu này (-80°C đến -70°C). Trong hệ thống tiêm chủng dịch vụ, duy nhất chỉ có kho bảo quản vắc xin âm sâu của Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam VNVC có thể đáp ứng.
Nên ông Long cho hay cần phải đàm phán và huy động các nguồn xã hội hóa để tiếp cận nguồn vắc-xin này. Ông Long nói hiện có nhiều đơn vị tư nhân đủ năng lực chuyên môn và tài chính để làm việc này.
Loại vắc-xin thứ ba là vắc-xin Sputnik V do Viện Gamaleya (Moscow, Nga) phát triển. Đây là một trong 3 loại vắc-xin do Nga sản xuất (gồm vắc-xin Sputnik V, vắc-xin Covi-Vac, vắc-xin EpiVacCorona). Bộ Y tế cho biết trong tuần này (tuần 22-28/2) sẽ họp hội đồng cấp phép cho vắc-xin của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.
Ngoài 3 loại vắc-xin trên với tổng cộng 150 triệu liều dự kiến, Bộ Y tế cho biết bộ này và các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin khác.
Đối với vắc-xin trong nước, ông Long cho biết dự kiến đến năm 2022 sẽ có vắc-xin do Việt Nam sản xuất. “Vắc-xin của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong tuần này. Vắc-xin của IVAC có hiệu quả tốt”, ông Long nói vào sáng 24/2.
“Bất cứ vắc-xin nào cũng không thể đảm bảo được độ an toàn 100%”
Tại cuộc họp vào chiều 24/2 giữa Bộ Y tế, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19, thảo luận về đánh giá sau tiêm, những người tham gia họp xác nhận bất cứ vắc-xin nào cũng không thể đảm bảo được độ an toàn 100%, nhất là vắc-xin phòng COVID-19 mới được phát triển trong thời gian ngắn.
Do đó, các ý kiến cho rằng việc theo dõi đánh giá phản ứng sau tiêm là rất quan trọng.
Bộ Y tế cho biết “đã ban hành hướng dẫn đánh giá này nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm rõ để không gây hoang mang trong người dân với những phản ứng sau tiêm”.
Vào sáng 23/2, trong cuộc họp của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế) cho biết các loại vắc-xin khi về Việt Nam, như trước đây là Quinvaxem hay ComBE Five, đều phải thử nghiệm đánh giá an toàn. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đây là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để tiêm vắc-xin này cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo kế hoạch.
“Vấn đề vắc-xin phòng COVID-19 được Cục Y tế dự phòng thực hiện phối hợp với Cục Dược cấp phép, lên kế hoạch phân phối và Cục Đào tạo (Bộ Y tế) theo dõi đánh giá hiệu quả. Chúng ta sẽ không phải tiêm ồ ạt và không theo dõi. Đây là cách làm khôn ngoan để vừa chống dịch vừa kiểm soát độ an toàn để đảm bảo đưa vắc xin ngừa COVID-19 an toàn nhất cho người dân”, ông Phu nói.
Ông Phu cũng lưu ý ngay cả khi tiêm vắc-xin ngừa bệnh vẫn phải giữ các biện pháp phòng dịch. Đưa ra dẫn chứng, ông Phu cho hay ở những nước đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trên diện rộng, như Israel, hiện vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách…
“Virus nCoV lây theo giọt bắn, do đó, đây vẫn luôn là các biện pháp phòng dịch hữu hiệu đầu tiên. Chúng ta phải hiểu rõ vắc-xin khi tiêm vào sẽ không tạo miễn dịch ngay và đặc biệt chúng ta còn phòng ngừa biến chủng virus, hướng tới miễn dịch cộng đồng với 70% dân số”, ông Phu nói thêm.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Tiêm vắc-xin COVID-19 Vắc-xin Pfizer vắc-xin AstraZeneca Vắc-xin Sputnik V