Việt Nam sẽ áp dụng học bạ điện tử
- Sơn Nguyên
- •
Hiện 63/63 Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đăng ký và được cấp tài khoản kết nối, báo cáo học bạ số (thí điểm) về Kho học bạ số Bộ (hệ thống thử nghiệm).
Chiều 13/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo thí điểm học bạ số.
Theo báo cáo kết quả triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, tính đến hết ngày 12/8, có 63/63 Sở GD-ĐT đã đăng ký và được cấp tài khoản kết nối, báo cáo học bạ số (thí điểm) về Kho học bạ số Bộ (hệ thống thử nghiệm).
Có 61 Sở GD-ĐT đã đăng ký và được duyệt chứng thư số dùng để gửi báo cáo học bạ số về kho học bạ.
Có 59 Sở GD-ĐT đã gửi báo cáo học bạ số về kho học bạ số với 4.241.906 Học bạ số cấp tiểu học. Con số trên chiếm tỷ lệ 59,47% trong tổng số 7.100.388 học bạ cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4 trong năm học 2023-2024.
Báo cáo từ các sở cho hay các nhà trường cơ bản đã có phần mềm quản lý trường học của Sở xây dựng, hoặc do các nhà cung cấp phần mềm cung cấp; cán bộ quản lý, giáo viên đã làm quen với nghiệp vụ phần mềm quản lý trường học; cơ sở dữ liệu ngành về cơ bản có đủ thông tin cho quá trình khởi tạo, cập nhật học bạ số.
Hiện các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Ban chỉ đạo thí điểm học bạ số; ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng để sẵn sàng triển khai việc áp dụng Học bạ số.
Ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết việc triển khai học bạ số giúp giảm áp lực hồ sơ, sổ sách cho giáo viên; giúp tăng tính minh bạch, bảo mật trong công tác quản lý và giúp các tổ chức xã hội nắm thông tin một cách khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục.
Mặc dù vậy, ông Tài cũng cho biết vẫn còn có ý kiến muốn có bản học bạ giấy bên cạnh việc sử dụng học bạ số. Có nhiều nguyên nhân như công tác truyền thông về triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học chưa kịp thời và chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng; một số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên có tâm lý e ngại về việc sử dụng các phần mềm, nhập dữ liệu, liên kết dữ liệu, tính chính xác của dữ liệu, bảo mật thông tin, chi phí cho việc sử dụng chữ ký số; các chế độ cho người thực hiện nhiệm vụ liên quan đến học bạ số.
Ông Tài nhận định cần làm sao để việc triển khai sử dụng học bạ số không phát sinh thêm về thủ tục, công việc và nhân lực vận hành.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết qua tìm hiểu thực tế, tất cả các trường đều đã được cấp tài khoản để nhập cơ sở dữ liệu ngành. Hiệu trưởng nhà trường phải nhập thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Việc nhập kết quả học tập bằng học bạ số được các trường kí số và gửi về cơ sở dữ liệu của Sở GD-ĐT nhằm đảm bảo tính pháp lý.
Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho hay hiện có 69% các tỉnh đã thí điểm học bạ số với trên 50% tổng số học sinh. Công tác triển khai có một số khó khăn, thiếu sót trong nhận thức về học bạ số ở địa phương, lúng túng trong quy trình tổ chức thực hiện chữ kí số cho giáo viên…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay triển khai học bạ số cho cấp tiểu học và trung học là việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý điều hành, phục vụ sự giám sát và thực hiện các dịch vụ xã hội nếu cần thiết.
Theo đó, học bạ số cho cấp tiểu học và trung học phải thống nhất trong cùng một hệ thống. Hệ thống này kết nối với dịch vụ công quốc gia và sử dụng được trong VNeID – ứng dụng do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư – Bộ Công an phát triển, lưu dữ liệu cá nhân của công dân.
Hà Nội áp dụng học bạ số cấp phổ thông đối với năm học 2024-2025Ngày 12/8, Sở GD-ĐT Hà Nội phát động triển khai Học bạ số cấp phổ thông từ năm học 2024-2025 sau khi thí điểm ở bậc tiểu học (từ tháng 4/2024). Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết tính đến ngày 31/7, Hà Nội đã triển khai học bạ số cấp tiểu học với tỷ lệ 97,6%. Tỷ lệ còn lại được cho là do là một số học sinh chưa hoàn thành kết quả rèn luyện, sẽ tiếp tục trong hè và hoàn thành ký số sau khi có kết quả rèn luyện bổ sung. Hà Nội có tổng số 843 trường tiểu học với 777.746 học sinh. Để triển khai học bạ số, 27.533 trong tổng số 29.093 giáo viên, nhân viên ở các trường tiểu học Hà Nội được trang bị ký số cá nhân (tỷ lệ 94,64%). Trong đó đơn vị cung cấp chữ ký số dùng chung gồm Ban Cơ yếu Chính phủ (37%), Viettel (39%), VNPT (24%). |
Sơn Nguyên
Từ khóa VNeID Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn học bạ điện tử học bạ số