Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lần 2
- Nguyễn Quân
- •
Với 145/189 phiếu ủng hộ, Việt Nam trở thành một trong 14 quốc gia nằm trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
- Hoa Kỳ trao giải cho nhà báo Phạm Đoan Trang: Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng
- Hội đồng Nhân quyền LHQ từ chối tranh luận về việc ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Trong phiên bỏ phiếu cuối ngày 11/10 (giờ Việt Nam) diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bầu ra 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 gồm: Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Gruzia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Moroco, Romania, Nam Phi, Sudan và Việt Nam. Nhiệm kỳ của các thành viên sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2023.
Các quốc gia thành viên tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý. Trong đó, nhóm châu Á – Thái Bình Dương có 7 nước ứng cử gồm Bangladesh, Maldives, Kyrgyzstan, Hàn Quốc, Việt Nam, Afghanistan, Bahrain (Mông Cổ rút khỏi vị trí ứng cử). Việt Nam là nước ứng cử duy nhất ở ASEAN.
Kết quả bầu chọn ở nhóm này đã xác định được 4 thành viên trúng cử là Bangladesh (160 phiếu), Maldives (154 phiếu), Việt Nam (145 phiếu) và Kyrgyzstan (126 phiếu). Hàn Quốc chỉ được 123 phiếu và không trúng cử.
Với thông điệp ứng cử “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”, Việt Nam tuyên bố trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới, “Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới – là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên Hiệp Quốc” – theo TTXVN.
Ba trụ cột lớn của Liên Hiệp Quốc là duy trì hòa bình, an ninh, cải thiện nhân quyền và hướng tới phát triển bền vững, tại phát biểu của ông Csaba Korosi, Tân Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong lễ tuyên thệ nhậm chức hồi đầu tháng 9/2022.
Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Lần đầu tiên Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là vào năm 2013, nhiệm kỳ 2014 – 2016.
Một ngày trước cuộc bỏ phiếu, ngày 10/10, 4 tổ chức nhân quyền quốc tế – gồm Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền quốc tế – trụ sở ở New York của Mỹ), Amnesty International (Ân xá Quốc tế – trụ sở ở London của Anh), Article 19 (trụ sở ở London của Anh) và International Commission of Jurists (Ủy ban Luật gia Quốc tế – trụ sở ở London của Anh) – đã ra thông cáo chung đòi hỏi Việt Nam phải có những bước cụ thể để cải thiện tình hình nhân quyền để đáp ứng yêu cầu trở thành thành viên Hội đồng, cũng như thúc giục Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Việt Nam đạt được những tiến bộ trước khi trở thành một thành viên của hội đồng.
Theo số liệu do các tổ chức trên công bố tại bản thông cáo, kể từ khi Việt Nam tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 22/2/2021, ít nhất 48 nhà báo, người hoạt động và người đứng đầu tổ chức phi chính phủ bị cáo buộc theo các Điều 117, 200 và 331 Bộ luật Hình sự của Việt Nam.
Theo Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Nhân quyền bao gồm 47 quốc gia thành viên, do đa số thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu trực tiếp và riêng lẻ bằng cách bỏ phiếu kín. Các thành viên của Hội đồng Nhân quyền sẽ giữ vị trí này trong ba năm và không đủ điều kiện được bầu lại sau mỗi 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được xem là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển. Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu các thành viên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền phải duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Các quyết định của Hội đồng Nhân quyền không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng mang sức nặng chính trị. Nga, một cựu thành viên của cơ quan nhân quyền, đã bị Hội đồng Nhân quyền đình chỉ sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022. Tính đến tháng 9/2022, 123 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc từng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền. |
Nguyễn Quân
Từ khóa Dòng sự kiện Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhân quyền tại Việt Nam