Chính phủ Việt Nam hôm 25/11 đã ký hiệp định vốn vay ODA trị giá 11,891 tỷ Yên (hơn 2.500 tỷ đồng) với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để xây dựng dự án “Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long”.

vịnh Hạ Long, Quảng Ninh
Vịnh Hạ Long. (Ảnh: thoidai.com.vn)

Theo các điều khoản trong Hiệp định vay vốn, phía Nhật Bản cho vay trong thời gian 40 năm, thời gian ân hạn 10 năm, điều kiện chung không ràng buộc, lãi suất hạng mục chính 0,3%/năm, hạng mục dịch vụ tư vấn 0,01%/năm. Dự án do UBND TP. Hạ Long (Quảng Ninh) thực hiện.

Dự án được cho là nhằm nâng cao năng lực xử lý nước thải của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bằng cách xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống đường ống dẫn nước thải.

Theo đó, khu vực phía Tây của thành phố sẽ xây dựng hệ thống cống bao và cống chung để thu gom nước thải, xây dựng 1 trạm xử lý công suất 14.800m3/ngày đêm tại phường Hà Khẩu để thu gom nước thải của các phường Hà Khẩu, Giếng Đáy, một phần của Hùng Thắng và kết nối thu gom nước thải cho khu vực Bãi Cháy (dừng hoạt động trạm xử lý nước thải Bãi Cháy theo quy hoạch phát triển của thành phố).

Khu vực phía Đông của thành phố sẽ xây dựng hệ thống cống bao chung để thu gom nước thải; xây dựng 1 trạm bơm nước thải có công suất 6.300m3/ngày đêm tại phường Hà Phong. Đồng thời, bổ sung 1 nhà máy xử lý nước thải mới trong khuôn viên nhà máy xử lý nước thải Hà Khánh để thu gom và xử lý nước thải toàn bộ của các phường: Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Cao Xanh, Cao Thắng, Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Tu, Hà Phong, Hồng Hải và Hồng Hà.

Dự kiến, dự án sẽ phát hành thư mời thầu dịch vụ tư vấn trong tháng 3/2021, công bố gói thầu cạnh tranh quốc tế đầu tiên hạng mục xây lắp vào tháng 5/2021, hoàn thành dự án vào tháng 6/2025.

Môi trường Vịnh Hạ Long đang ngày một trầm trọng trước sức ép từ sự phát triển ồ ạt các đô thị ven bờ, các khu công nghiệp, dịch vụ, cảng biển… và đặc biệt là sự phát triển nhanh từ du lịch.

Hiện thành phố Hạ Long có 5 trạm xử lý nước thải tập trung, nhưng hiệu quả rất kém.

Ở nhiều khu vực ven biển, hệ thống cống, rãnh thoát nước thải cho khu dân cư, nhà hàng, khách sạn… vẫn chưa có phương án thu gom, xử lý đạt chuẩn mà xả thẳng ra vịnh. Như khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long có trên 24 cống nước thải sinh hoạt thuộc khu Lán Bè – Cột 8, Cao Xanh – Hà Khánh đang xả thẳng xuống vịnh mà không qua xử lý.

Báo chí dẫn thông tin từ Công ty Môi trường đô thị Hạ Long vào năm 2019 cho biết mỗi ngày lượng nước sinh hoạt đổ ra vịnh Hạ Long khoảng 30.000 m3, nhưng chỉ có khoảng 30% nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi đổ ra vịnh.

Cùng với đó, trong ngành công nghiệp khai thác than, nước thải mỏ có gần 55 triệu m3/năm, nhưng 35 trạm xử lý công nghệ cao của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cũng chỉ xử lý được 74% lượng nước thải mỏ.

Hồi năm 2017, Sở Tài nguyên – Môi trường Quảng Ninh đã tiến hành quan trắc tại một số khu vực ven bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Kết quả cho thấy môi trường nước ở đây bị nhiễm kim loại nặng gấp 3 lần cho phép.

Hoàng Minh