Vụ phó Vụ ATGT: Cần biết những loại thức ăn nào có nồng độ cồn
- Tuấn Minh
- •
Mới đây, trong phóng sự của Truyền hình Quốc phòng, ông Hoàng Thế Tùng – Vụ phó Vụ An toàn giao thông (ATGT), Bộ GTVT khuyến cáo người dân nên biết những loại thức ăn nào có nồng độ cồn để có cách tham gia giao thông an toàn, tránh bị phạt.
Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực, trong đó nổi bật nhất là quy định ‘đã uống rượu bia thì không lái xe’.
Trước đó, ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016) với nhiều mức phạt tăng nặng so với trước kia, ví dụ mức phạt tối đa đối với tài xế lái ô tô có nồng độ cồn có thể lên tới 40 triệu đồng cùng với việc bị tước bằng lái 2 năm; hay người đi xe đạp có nồng độ cồn cũng có thể bị phạt tới 600 nghìn đồng.
Quy định mới đã gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Trong khi có nhiều ý kiến đồng tình với việc xử lý nghiêm hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia để giảm thiểu tai nạn giao thông, thì cũng có những ý kiến khác thắc mắc về việc CSGT sẽ xử lý như thế nào đối với các trường hợp không uống rượu bia, nhưng hơi thở vẫn cho ra nồng độ cồn do trước đó đã ăn trái cây, thực phẩm, hay uống thuốc.
Cụ thể, các loại hoa quả (như vải, nho, dứa, chuối, sầu riêng…); thuốc (như siro ho, dung dịch sát trùng miệng…); đồ uống (1 số loại nước có ga, nước tăng lực, nước hoa quả…); các loại thức ăn có nguồn gốc tinh bột, đường, nếu tồn lưu dài có thể lên men (như rượu nếp, giấm ăn); hay các loại thức ăn có thêm rượu, bia trong chế biến có thể khiến hơi thở ngay sau khi ăn có nồng độ cồn.
Trước lo ngại của người dân về việc có thể bị xử oan khi tham gia giao thông, ông Hoàng Thế Tùng – Vụ phó Vụ An toàn giao thông (ATGT), Bộ GTVT khi trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc phòng đã cho biết không nhất thiết chỉ có rượu bia mới có nồng độ cồn, mà những loại hoa quả, hay thức ăn cũng có thể có nồng độ cồn.
Theo ông Tùng, những loại hoa quả, thức ăn gây say thì cũng tạo cảm giác giống như uống rượu, và theo quy định đó vẫn là chất kích thích. Ông Tùng cho rằng tốt nhất người tham gia giao thông nên chấp hành quy định của pháp luật, và cũng nên biết loại thức ăn nào sẽ có chất kích thích để có cách tham gia giao thông an toàn và tránh bị phạt.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết trên VOV Giao thông rằng luật hoàn toàn đúng về mặt khoa học, nồng độ cồn trong các loại hoa quả, thực phẩm rất nhỏ, không đáng kể nên cơ thể sẽ chuyển hoá rất nhanh. Trong trường hợp người dân có sử dụng các loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol thì lưu ý nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15 phút đến nửa tiếng rồi mới tham gia giao thông.
Còn ông Nguyễn Quang Nhật, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an lý giải rằng trong quá trình phát hiện và lập biên bản, người bị kiểm tra có nồng độ cồn có quyền được giải thích về lý do và nếu cần rõ ràng có thể sẽ được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác.
Tham khảo bảng dưới: Các mức phạt mới được quy định tại Nghị định 100.
Tuấn Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa vi phạm nồng độ cồn Luật phòng chống tác hại rượu bia hoa quả thức ăn có nồng độ cồn Nghị định 100