Vùng ngập TP.HCM: Lời giải ở bản quy hoạch phát triển thành phố?
- Lê Trai
- •
Trong khi các chương trình chống ngập với con số hàng ngàn tỷ đồng tiếp tục được công bố, thì bản quy hoạch thành phố lại đi ngược với những ý kiến về việc xây dựng một đô thị bền vững, ít nhất là không còn ngập.
Gần hai thập niên TP ngập
Ngày 26/9, TP.HCM lại chìm sâu chỉ sau một cơn mưa lớn. 59 tuyến đường bị ngập. Toàn thành phố có 44 điểm ngập phải cứu hộ hút nước. Gần 1.400 ô tô, xe máy bị nhấn chìm trong nước, có nơi ngập sâu tới 1,5m… Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho rằng “đây là trận mưa cực đoan, lớn nhất từ đầu năm đến nay”, còn Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết đó là trận mưa lớn nhất trong 40 năm qua với vũ lượng được thông báo là 204,3 mm.
Mưa chồng mưa. Ngập chồng ngập. Chiều tối 27/9, cơn mưa kéo dài hơn một giờ tiếp tục khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM lại ngập. Theo Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM, trận mưa chiều đã làm ngập 11 tuyến đường, có nơi mực nước cao 0,5 m. Những điểm vừa rút nước buổi sáng lại tái ngập.
Tròn một năm trước, trận mưa cũng được gọi là ‘lịch sử’ vào chiều 15/9 khiến 72 tuyến đường ở TP bị ngập từ 0,1 đến 0,6m. Vũ lượng được công bố sau đó là 92mm÷142mm.
Trước đó hơn một thập niên, trong mùa mưa năm 2003, Sở GTCC TP.HCM đã thống kê toàn thành phố có tới 97 điểm ngập…
PGS.TS Hồ Long Phi – Giám đốc Trung tâm quản lý nước và Biến đổi khí hậu ĐHQG TP.HCM cho hay, từ 1975 tới khoảng những năm 2000, trong quá trình phát triển đô thị, TP không có công trình nào đầu tư để phát triển hạ tầng chống ngập. Còn ngập thì đã bắt đầu xuất hiện vào những năm 1998-2000 (News Zing 17/9/2015).
Gần 97.300 tỷ đồng chống ngập tới năm 2020
Trước khi diễn ra trận ngập lịch sử hôm 26/9, ngày 24/9, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X đã công bố con số gần 97.300 tỷ đồng. Đây là số vốn dự kiến cho chương trình hành động về giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 được đưa ra thảo luận trong hội nghị.
Cụ thể, trong hai năm tới (giai đoạn 2016 – 2018), TP sẽ thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 8/17 tuyến đường, 60/179 tuyến hẻm của TP. Trong đó, lưu vực trung tâm là 3 tuyến, lưu vực ngoại vi là 5 tuyến. TP đồng thời hoàn thành các dự án đầu tư xử lý 13 tuyến bị ngập nước (trước đây đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách).
Đồng thời, TP sẽ đẩy tiến độ thi công để hoàn thành 3 nhà máy xử lý nước thải, gồm Tham Lương – Bến Cát công suất 131.000m3/ngày; Nhiêu Lộc – Thị Nghè 480.000 m3/ngày và Bình Hưng (giai đoạn 2) nâng công suất nhà máy từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày.
Trong giai đoạn kế tiếp, 2019-2020, TP dự kiến cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập thêm 5/17 tuyến đường và cho 119 tuyến hẻm còn lại, xây dựng thêm bốn nhà máy xử lý nước thải là Tân Hóa – Lò Gốm công suất 300.000 m3/ngày, Tây Sài Gòn 150.000 m3/ngày, Bắc Sài Gòn 1 170.000 m3/ngày, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Tân từ 30.000 m3/ngày lên 180.000 m3/ngày.
Ngoài ra, TP dự kiến siết lại việc san lấp, xây dựng công trình lấn chiếm sông, kênh rạch, hồ chứa nước công cộng và xây dựng thêm các hồ điều tiết.
Chương trình dự kiến sẽ giảm được tình trạng ngập úng tại 13 quận trung tâm thành phố gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và các quận khác như quận 12, Bình Tân, một phần quận 2, 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn 26/9/2016, phần vốn còn lại cần huy động cho 5 năm tới khoảng 74.350 tỷ đồng, trong đó, tổng số vốn chưa có nguồn và cần huy động thêm là gần 36.000 tỷ đồng.
Trước đó một năm, báo cáo của UBND TP.HCM tháng 9/2015 cho hay, dự án chống ngập của Sài Gòn được khởi động từ những năm 2000. Tính từ 2005 đến hết 2014 (10 năm), dự án này đã tiêu tốn số vốn vay khổng lồ 24.300 tỷ đồng (khoảng 9.000 tỷ đồng vốn ngân sách, khoảng 15.000 tỷ đồng vốn vay ODA).
Đáng lưu ý, trong 24.300 tỷ đồng có khoảng 18.700 tỷ đồng (tương đương 870 triệu USD) được đầu tư cho các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch (trong đó ngân sách TP khoảng 3.400 tỷ đồng và vốn ODA khoảng 15.300 tỷ đồng). Tuy nhiên, kết quả mới chỉ cải tạo được khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch.
Tính đến ngày 31/12/2014, tổng dư nợ vay của TP.HCM là 25.115 tỷ đồng, theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 21/10/2015 về việc xem xét cơ chế tài chính cho dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM.
Số nợ này bao gồm dư nợ trong nước là 14.669 tỷ đồng và dư nợ vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 10.446 tỷ đồng. Dự kiến trong 5 năm tới (2016 – 2020), bình quân mỗi năm TP.HCM phải chi trả nợ gốc và lãi đến hạn khoảng 4.250 tỷ đồng/năm (tăng gần 49% so với giai đoạn 2011 – 2014).
Tiếp tục phát triển TP theo hướng Đông và Nam
Năm 2010, GS – TSKH Lê Huy Bá cho hay, TP.HCM đang tự chặn đường thoát nước của mình. Nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn, TP.HCM được gọi là “đô thị ngập triều”. Vùng đất thấp chiếm 61% diện tích với gần 7.900 km hệ thống kênh rạch chằng chịt là hệ thống thoát nước. Hướng thoát lũ chính của thành phố là từ Bắc – Tây Bắc – Đông Bắc xuống Nam – Đông Nam – Tây Nam. Theo đó, “càng mở rộng đô thị hiện đại ở vùng Nam Sài Gòn, Bình Chánh, quận 7, Nhà Bè, tức là đang ngăn đường thoát nước của thành phố”, GS Bá nói (Vnexpress 26/5/2010).
Thạc sĩ Bạch Anh Tuấn (ĐH Tôn Đức Thắng) cho hay: “Từ giai đoạn 1954-1975, các chuyên gia đã yêu cầu thành phố nên tập trung hướng phát triển về vùng cao là Đông – Đông Bắc, giới hạn phát triển về phía Nam – Nhà Bè – Cần Giờ vì vùng đất này yếu, trũng”.
Tuy nhiên, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê duyệt, TP vẫn sẽ phát triển với hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển.
Bản quy hoạch viết: “Tổ chức lãnh thổ hệ thống đô thị và khu công nghiệp, phát triển hệ thống khu, cụm công nghiệp; khu kinh tế thương mại, các khu kinh tế đặc thù khác (…) theo mô hình tập trung – đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển (…) với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: hướng Tây – Bắc và hướng Tây, Tây – Nam“.
Tăng diện tích bề mặt bị bê-tông hóa không chỉ tôn nền ở vùng thoát nước tự nhiên của TP, mà còn làm giảm khả năng thấm trung bình 50% lượng nước xuống 15%, đồng thời gây nên hiệu ứng đảo nhiệt, vốn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng cả về số lượng và quy mô những cơn mưa nhiệt đới trong khu vực – Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng cho hay.
“Vì sao thành phố lại phát triển đô thị ở vùng đất thấp hơn?” – nguyên Viện trưởng Khí tượng thủy văn Phan Văn Hoạch đã đặt ra câu hỏi trên từ hơn 5 năm trước. Với bản quy hoạch trên, lời giải cho tình trạng ngập úng của thành phố vẫn tiếp tục bị bỏ ngỏ.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa ngập lụt TPHCM quy hoạch phát triển TPHCM TPHCM chống ngập lụt Trung tâm TP.HCM ngập lớn chống ngập nước TP.HCM